Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Tokyo Hoàng Đạo Án

Dịch Full Tokyo Hoàng Đạo Án
Chương 20


Để nghỉ việc một tuần, tôi bịa ra một câu chuyện: vợ tôi bị ốm và tôi sẽ đưa cô ấy tới suối nước nóng Hanamaki gần nhà cha mẹ cô ấy để nghỉ dưỡng. Đúng là số phận run rủi, thực tế tôi cũng phải đi đến khu vực đó, cho nên tôi sẽ dừng lại mua vài món đồ lưu niệm cho các đồng nghiệp, khiến họ tin rằng tôi thực sự đã đến Hanamaki. Câu chuyện của tôi phát huy ngay tác dụng và sếp cho tôi nghỉ phép một tuần. Sáng ngày 3 tháng Tư, tôi bảo vợ rằng buổi tối tôi phải đi công tác và nhờ cô ấy chuẩn bị đủ cơm nắm cho tôi dùng trong ba ngày. Tôi gói ghém thức ăn, để một cái xẻng vào thùng xe và lái tới ngôi nhà ở Kaminoge. Đúng như chỉ dẫn, tại đây tôi thấy các xác chết nhưng đều đã bị cắt xẻ trong giống như những đứa trẻ dị dạng. Tôi vác hai cái xác mà tôi được yêu cầu chôn cất đầu tiên, bỏ vào thùng xe, và sau đó lái về phía tây tới vùng Kansai ngay trong đêm.

Tôi phải đi thật nhanh, bởi vì tôi biết rằng khi quá trình phân hủy bắt đầu, mùi hôi thối sẽ không thể chịu nổi và gây chú ý. Hơn nữa, rất có khả năng nhà Kazue sẽ bị điều tra lại. Tôi cần đưa những cái xác ra khỏi đó càng nhanh càng tốt.

Thời ấy người ta hiếm khi kiểm tra phương tiện giao thông, nhưng tôi vẫn phải hết sức thận trọng. Tôi có sẵn thẻ cảnh sát đề phòng phải sử dụng khi cần. Tôi mang theo ba can xăng dự phòng. Nếu may mắn, số nhiên liệu này đủ để tới nơi mà không phải dừng lại mua thêm. Tôi không muốn bị một nhân viên trạm xăng nhớ mặt. Trong khi lái xe, đầu óc tôi như chạy đua. Thứ tự và vị trí chôn cất từng cái xác đã được chỉ rõ đến từng chi tiết. Nhưng làm như vậy để làm gì cơ chứ? Phải chăng để cho nó có vẻ giống một vụ giết người hàng loạt do một cá nhân gây ra? Và liệu có lý do gì khiến mỗi cái xác lại bị cắt xẻ một cách khác nhau như vậy?

Tôi không đến được Nara trong đêm đầu tiên, cho nên tôi lái xe vào vùng núi ở Hamamatsu và chợp mắt ngay bên đường. Lúc đó là mùa xuân, mặt trời mọc sớm hơn tôi nghĩ, khiến tôi càng thêm lo lắng. Tôi được chỉ dẫn phải chôn sáu cái xác ở những khu mỏ nhất định rải rác khắp đảo Honshu. Sau mỏ Yamato ở Nara, tôi sẽ phải tới mỏ Ikuno ở tỉnh Hyogo. Sau đó tới mỏ Gumma ở tỉnh Gumma, mỏ Kosaka ở Akita, mỏ Kamaishi ở Iwate và mỏ Hosokura ở Miyagi.

Chiếc xe tôi mượn là một chiếc Cadillac. Nó to hơn bất kỳ chiếc xe hơi Nhật Bản nào nhưng vẫn quá nhỏ để chở được cả sáu cái xác cùng một lúc. Tôi phải đi hai chuyến khác nhau. Vả lại, nếu tôi bị chặn lại vì bất kỳ lý do gì, một chiếc xe hơi sẽ dễ dàng che giấu cho tôi hơn là một chiếc xe tải. Tôi quyết tâm hoàn tất vụ ngã giá của mình mặc dù tôi biết tay điệp viên bí mật có thể phục kích tôi bất kỳ lúc nào.

Đêm hôm sau tôi tiếp tục lái xe và đến mỏ Yamato lúc 2 giờ sáng ngày 5 tháng Tư. Tôi bắt đầu đào hố. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được việc đào cái hố sâu một mét rưỡi lại nhọc nhằn đến vậy. Nhưng rồi tôi cũng kết thúc được công việc trước lúc bình minh. Tôi ngủ ngay trong núi. Đến trưa, tôi choàng tỉnh vì một người đàn ông quấn khăn che kín mặt. Anh ta nhìn chòng chọc vào trong xe. Lúc đó, tôi nghĩ mọi việc thế là hết. Nhưng khi trấn tĩnh lại, tôi nhận ra anh ta có vấn đề về tâm thần và đang đi lang thang trong rừng như một đứa trẻ lạc. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi anh ta lặng lẽ bỏ đi. Anh ta là người duy nhất đến gần chiếc xe đến thế. Tôi nhủ mình cần phải kiên nhẫn chờ cho tới hết ngày, rồi mới rời đi.

Việc đào hố ở mỏ Ikuno tại Hyogo khiến tôi mệt nhoài, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn khi công việc xong xuôi. Giải quyết xong hai cái xác, tôi lái xe suốt đêm và cả ngày hôm sau, cố gắng cảnh giác hết mức. Tôi về đến nhà vào chiều ngày 6 tháng Tư. Tôi ăn rất nhanh và nằm lăn ra, nhưng không cho phép mình có một giấc ngủ dài.

Đêm đó, vì đã chuẩn bị sẵn sàng cho phần tiếp theo của nhiệm vụ, tôi bảo vợ rằng tôi sẽ không nghe điện thoại được cho tới khi tôi quay về. Tôi lại tới Kaminoge với bốn cái xác còn lại. Tôi không hề ngủ suốt chặng đường vì không tìm được chỗ nào có thể đậu xe an toàn. Rạng sáng ngày mùng 7, tôi đã đến gần Takasaki, tìm một chỗ hẻo lánh, tấp vào lề đường và đánh một giấc ngon lành. Buổi chiều tôi tiếp tục hành trình và đến mỏ Gumma lúc quá nửa đêm. So với hai công việc trước, nhiệm vụ lần này rất dễ dàng. Tôi chỉ cần phủ một ít đất lên cái xác, sau đó tiếp tục đi dọc theo đường núi.

Tôi đến Hanamaki lúc 3 giờ sáng ngày mùng 8. Vào giờ đó, chưa nơi nào mở cửa, cho nên tôi lái xe tới Akita. Tôi dừng lại dọc đường để nghỉ và bị lạc đường một lần, nhưng may mắn là tôi vẫn đúng kế hoạch. Việc đào hố và chôn cất tại mỏ Kosaka kết thúc vào sớm mùng 9. Công việc ở Iwate hoàn thành vào sáng hôm sau, phần tiếp theo ở Miyagi xong xuôi vào đêm mùng 10, chỉ việc bỏ cái xác ở gần đường núi. Tôi đã hoàn thành toàn bộ công việc trong vòng một tuần đúng như hướng dẫn yêu cầu.

Tôi tới Fukushima trước lúc bình minh ngày 11. Tôi gần như phát điên và không kiểm soát được hành vi của mình vì cả tuần qua ăn uống thất thường lại ngủ rất ít. Tôi tự hỏi bằng cách nào tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ phi thường đó. Đêm hôm ấy, sau khi trở về Tokyo, tôi ngủ say như chết không biết trời đất là gì.

Cái cớ tôi đưa ra cực kỳ có tác dụng. Tôi sụt cân, mắt tôi trũng xuống. Trông đúng như vừa phải vất vả chăm sóc vợ ốm, nên rất được đồng nghiệp thông cảm. Nhưng hậu quả của tuần lễ đó ảnh hưởng ghê gớm đối với tôi. Tôi thường xuyên bị những cơn chóng mặt và cảm thấy buồn nôn, trông cực kỳ mệt mỏi. Tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ hoàn toàn nhờ vào sức trẻ và vị trí của mình. Nếu lớn tuổi hơn, chắc chắn tôi không thể có đủ sức lực, và nếu tôi ở địa vị thấp hơn, sếp của tôi sẽ không cho phép tôi vắng mặt một tuần liền. Từ bấy trở đi, tôi chẳng bao giờ xin nghỉ ốm nữa.

Tôi đã làm xong những gì bắt buộc phải làm, nhưng một câu hỏi bắt đầu đeo bám lấy tôi. Có phải tôi đã bị đánh bẫy để thực hiện công việc bẩn thỉu này không? Cơ quan mật vụ có thể đã giăng bẫy tôi, tạo ra tình huống và sau đó hăm dọa buộc tôi phải làm bất kỳ việc gì họ cần. Cho tới hôm nay, tôi vẫn không hiểu những gì đã xảy ra. Tôi chỉ biết đó là một nỗi sợ hãi khủng khiếp.

Cái xác cuối cùng mà tôi giải quyết, tại mỏ Hosokura, bị phát hiện vào ngày 15 tháng Tư. Khi báo cáo của cảnh sát đến văn phòng, cảm giác tội lỗi trong tôi bắt đầu trỗi dậy. Mọi chuyện đã rõ ràng khi cái xác thứ hai được tìm thấy vào ngày 4 tháng Năm, hóa ra những cái xác mà tôi đem chôn chính là từ vụ giết người hàng loạt nhà Umezawa. Mặc dù tôi biết vụ này, nhưng tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao xác các cô gái nhà Umezawa lại ở nhà của Kazue Kanemoto. Đúng là Kazue kết hôn với một người Trung Quốc nhưng liệu các em gái của cô ta có thật sự là những điệp viên chỉ vì lý do đó không? Tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc. Tôi là một nạn nhân. Niềm kiêu hãnh của tôi bị tổn thương, bởi tôi đã tự biện minh rằng nhiệm vụ đó là vì an ninh quốc gia, trong khi thật sự thì nó chỉ là việc tôi bắt buộc phải làm để cứu vãn danh dự của mình.

Các đồng nghiệp không ngớt bàn tán về vụ giết người hàng loạt, nhưng tôi thì không dám có mặt ở văn phòng. Không lâu sau đó có một phụ nữ tên là Sada Abe bị bắt vì tội giết người tình và cắt dương v*t của anh ta. May mắn cho tôi, vụ việc của cô ta đã chuyển hướng chú ý của mọi người khỏi vụ án mạng các thiếu nữ nhà Umezawa. Vụ Abe vẫn còn mới nguyên trong trí nhớ của tôi. Cô ta bị bắt tại quán rượu Shinagawa, trong tên giả Nao Owada. Vụ việc thuộc thẩm quyền điều tra của đồn cảnh sát Takanawa và đồng nghiệp Ado của tôi nổi danh vì chính là người bắt được hung thủ. Các thanh tra cảnh sát ăn mừng vì phá được vụ án, không khí hân hoan kéo dài ở đồn suốt một thời gian, giúp tôi phần nào cảm thấy thư thái.

Đến tháng Sáu, tôi đọc một bản sao ghi chép của Heikichi Umezawa, được nhóm điều tra gửi cho tất cả các đồn cảnh sát. Tôi không thể hiểu nổi ông ta dính dáng như thế nào đến vụ án mạng Azoth. Vụ án diễn ra y như những gì ông ta đã mô tả, nhưng chính ông ta lại chết trước khi xảy ra các vụ sát hại này. Nhưng nếu không phải ông ta là hung thủ thì ai đã ra tay? Chắc chắn phải là một trong những đệ tử của Heikichi, một ai đó quyết tâm tạo ra Azoth. Trời ơi, tôi đã tiếp tay cho một kẻ điên rồ!

Hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi: Có yếu tố chiêm tinh đằng sau âm mưu tinh vi này chăng? Phải chăng ý tưởng của hung thủ là dàn xếp thời điểm phát hiện ra các xác chết? Nếu như vậy, tại sao các xác chết ở Kosaka, Yamato và Ikuno lại phải phát hiện muộn hơn các xác chết khác? Nếu mục đích của hung thủ là trì hoãn sự phát hiện thì tại sao không phải ở các khu mỏ khác hoặc ở những nơi xa xôi hơn? Có ý đồ gì trong toàn bộ vụ việc này chăng?

Lại còn tin đồn về các gián điệp Trung Quốc nữa chứ. Nếu có chút sự thật về việc này dù là nhỏ nhất thì tôi cũng sẽ bị cuốn vào đó chỉ vì cuộc gặp tình cờ với Kazue. Liệu có phải tất cả đã được lên kế hoạch từ trước - tức là những kẻ giết hại sáu cô gái đã tính toán trước chăng? Nếu như vậy thì ai là người phù hợp nhất cho công việc chôn cất các xác chết? Dĩ nhiên là một sĩ quan cảnh sát rồi! Người đó sẽ có giấy phép lái xe và việc chở các nạn nhân trong một vụ án mạng có thể là một phần công việc của anh ta. Không dân thường nào - thậm chí một bác sĩ hay một nhà khoa học - có thể làm được việc đó. Cũng sẽ chẳng ai nghĩ một cảnh sát lại có thể tham gia vào một vụ việc kinh khủng như vậy. Vậy là tôi được chọn! Kazue hẳn đã can dự với tư cách một kẻ chủ mưu, dụ dỗ tôi làm tình với cô ta. Nhưng sau đó cô ta lại tự sát - tại sao chứ? Như thế để tôi có thể bị hăm dọa chăng? Liệu Kazue có biết rằng cô ấy sẽ bị giết không? Hay cô ấy cũng bị phản bội? Đúng, tôi đã ngủ với Kazue bởi vì cô ta dụ dỗ tôi, nhưng chắc chắn tôi sẽ không bao giờ đồng ý chôn các xác chết nếu như cô ấy không bị giết.

Giả sử chính Kazue là người giết các em gái mình thì sao nhỉ? Sau khi sát hại họ, cô ta quyết định quyến rũ tôi để gây sức ép và sau đó cô ta tự sát. Nhưng việc tự sát có ý nghĩa gì chứ? Thêm nữa, cú đánh chết người nhằm vào gáy cô ấy. Rõ ràng không thể tự sát bằng cách đập vào đầu mình từ phía sau được. Kazue chết vào ngày 23 tháng Ba; sáu cô gái vẫn còn sống một tuần sau đó. Một phụ nữ đã chết thì không thể tự sát được.
 
Chương 21


Khi Masako Umezawa bị bắt, bức tranh càng thêm rối rắm hơn nữa. Bà bị buộc tội, nhưng tôi không tin bà nói thật. Tôi ước gì có thể vào tù để thăm và nói chuyện với bà ấy, nhưng lại không thể tìm ra một lý do chính đáng nào.

Tôi thật đen đủi khi dính vào vụ việc chết tiệt theo cách kinh khủng này và không thể giũ bỏ được cảm giác tội lỗi. Thời gian trôi đi, rồi công chúng sẽ lãng quên, ngay cả những tội ác man rợ, tày trời cũng sẽ bị quên đi. Nhưng trường hợp này thì không. Sau chiến tranh, một cuốn sách có nhan đề Tokyo hoàng đạo án được xuất bản đã giúp công chúng tiếp cận và biết đến vụ án. Giải đáp bí ẩn vụ giết người trở thành mốt thời thượng và có rất nhiều sáng kiến, gợi ý, tấp nập gửi về cơ quan điều tra. Hàng ngày, các đồng nghiệp của tôi đều đọc kỹ những bức thư kiểu này. Tôi cứ run bắn người mỗi khi họ hét lên, “Thông tin này rất đáng xem xét!” Nỗi lo sợ kéo dài cho tới khi tôi về hưu. Thậm chí đến hôm nay, tôi vẫn còn bị ám ảnh.

Trở lại thời gian đó, biên chế Phòng 1 của Sở Điều tra hình sự là 46 thanh tra cảnh sát, chịu trách nhiệm về các tội danh gian lận, đốt phá và bạo lực, kể cả các án giết người và cướp giật, những công việc này bây giờ được chuyển về Phòng 3 và Phòng 4. Năm 1943, tôi được chuyển sang Phòng 1 theo đề xuất của ngài Koyama, trợ lý giám đốc đồn Takanawa, người nhiệt liệt khen ngợi tôi vì sự bền bỉ và óc phán đoán logic. Tôi có nhiệm vụ chuyên xử lý các vụ gian lận. Để chở sáu xác chết, tôi phải mượn chiếc Cadillac của nghi can trong một vụ gian lận trước đó. Sau khi tôi chuyển sang Phòng 1, người đó liên tục liên lạc với tôi và xin xỏ. Lần nào tôi cũng phải đồng ý.

Chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, quân Mỹ thường xuyên đe dạo không kích Nhật Bản. Các nhân viên của Sở Cảnh sát Đô thành được sơ tán theo từng nhóm nhỏ tới các khu vực khác nhau trong thành phố. Phòng của tôi lập văn phòng tại Trường Trung học Nữ số 1ở Asakusa. Lắm lúc tôi muốn được hy sinh trong chiến trận. Nhiều đồng nghiệp của tôi tòng quân, nhưng việc nhập ngũ của tôi bị đình hoãn, khiến cho tôi càng cảm thấy có tội.

Thời điểm xảy ra các vụ án mạng, con trai tôi là Fumihiko chỉ mới vài tháng tuổi. Giờ nó đã là một thanh tra cảnh sát, con gái tôi Misako đã kết hôn với một sĩ quan cảnh sát. Mặc dù tôi cảm thấy mình như một tội nhân nhưng tôi vẫn tiếp tục thăng tiến xa hơn trên nấc thang danh vọng. Tôi tham gia các kỳ thi vì con trai tôi, luôn luôn hoàn thành xuất sắc và được thăng chức. Ngay trước lúc nghỉ hưu, cấp trên hào phóng thăng cho tôi lên bậc thanh tra cao cấp. Sự nghiệp của tôi hẳn là rất thành đạt, nhưng với tôi, nó chỉ là những năm tháng tù túng, giam hãm mà thôi. Tôi vẫn giữ kín với mọi người về căn bệnh ung thư của mình. Năm 1962, sau ba mươi tư năm cống hiến trong ngành cảnh sát, tôi về hưu một cách nhanh nhất có thể ở tuổi 57. Hai năm sau cái chết của Masako Umezawa, người bị kết án tử hình vì tội giết chồng và sáu cô gái, mối quan tâm của công chúng đến các vụ án mạng chiêm tinh vẫn còn rất mạnh. Bản thân tôi vẫn đọc tất cả mọi tài liệu mà tôi có thể thu thập, nhưng chẳng phát hiện thêm gì ngoại trừ những điều tôi đã biết. Sau một năm nghỉ hưu, tôi thấy mình dần lấy lại được nhiệt huyết. Thế rồi, cuối mùa hè năm 1964, tôi quyết định dành nốt quãng đời còn lại giải quyết bí ẩn này. Tôi cố gắng phỏng vấn tất cả những người còn sống và có liên quan đến vụ việc bằng bất kỳ hình thức nào.

Ayako Umezawa, khi đó đã 75 tuổi, là thành viên duy nhất còn sống trong gia đình này. Bà đã xây một khu chung cư và sống tại đó. Ayako cho biết Yoshio chồng bà vừa mới qua đời chưa lâu. Cả hai cô con gái đều bị sát hại và không còn ai thân thích, bà cảm thấy rất cô độc.

Yasue Tomita đã 78 tuổi. Bà sống một mình trong căn hộ ở Denenchofu, một đặc khu của Tokyo khá giống Beverly Hills. Sau chiến tranh, bà đã bán phòng tranh cũ và mở một phòng tranh mới ở Shibuya có cùng tên gọi là “de Médicis”. Sau khi Heitaro con trai bà hy sinh trong chiến tranh, Yasue nhận nuôi con trai của một người họ hàng, và giờ anh này điều hành phòng tranh thay bà. Thỉnh thoảng, cậu con nuôi cũng đến thăm Yasue, nhưng bà vẫn rất cô đơn.

Cả Ayako và Yasue đều không phải là nghi can, nhưng không còn lại ai khác trong số những người trong cuộc. Vợ cũ của Heikichi, bà Tae, đã chết, nhưng chồng cũ của Masako, ông Satochi Murakami, thì vẫn còn sống và đã 82 tuổi. Người ta chưa bao giờ thẩm vấn Murakami - có lẽ vì cảnh sát thời tiền chiến rất phân biệt giai cấp trong khi ông ấy lại là người giàu có và danh giá. Tôi nghi ngờ Murakami có động cơ phạm tội: đó là trả thù. Masako đã ngoại tình và sau đó ly hôn Murakami để lấy Heikichi. Với tư cách một cựu thanh tra cảnh sát cao cấp, tôi tới gặp Murakami. Ông đã về hưu, sống một cuộc sống bình lặng quẩn quanh trong khu vườn của mình. Ông ấy còng gập, cái đầu hói có vẻ hợp với tuổi của mình. Thỉnh thoảng đôi mắt của Murakami lại toát lên vẻ tinh anh, mạnh khỏe và tôi có thể hình dung ra ông ấy khi còn trai tráng trông như thế nào.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi chẳng đâu vào đâu. Trái với những gì tôi nghĩ, Murakami nói rằng ông đã từng bị thẩm vấn không rõ lý do, rằng thái độ của cảnh sát rất hung hăng. Ông tiếp tục kể lể dông dài về việc bị đối xử như một nghi can. Tôi xin lỗi và ra về. Phòng Điều tra Hình sự đã chu đáo hơn tôi tưởng rất nhiều.

Người ta vẫn rất nhiệt tình với Azoth, nhưng giờ tôi cảm thấy nghi ngờ về sự tồn tại của nó. Mặc dù vậy, tôi vẫn tới mộ của Heikichi để xem liệu có khả năng Azoth ở đâu đó gần mộ không. Nghĩa trang chật kín. Mộ ông ấy gần như bị che khuất bởi các ngôi mộ an táng theo gia tộc ở gần bên. Tôi ngờ rằng Azoth có thể ở trong số đó.

Liệu Heikichi có đệ tử nào không? Hay bạn bè? Hoặc những người quen biết tình cờ? Ông ấy vốn không phải là người quảng giao, chỉ ra ngoài để tới phòng tranh de Médicis và quán rượu Kakinoki.

Tại Kakinoki, chủ quán Satoko là người giới thiệu Heikichi với Genzo Ogata, chủ một nhà máy sản xuất ma-nơ-canh… Khi đó, Ogata 46 tuổi còn Satoko là góa phụ chỉ mới 34. Có vẻ Heikichi rất thích nhà máy của Ogata, mặc dù công việc của họ khác hẳn nhau. Cảnh sát đã tiếp xúc Ogata và loại ông này ra khỏi diện nghi vấn. Tôi thấy Tamio Yasukawa, công nhân ở nhà máy Ogata mới có vẻ là người cần phải điều tra thêm. Heikichi cũng đã gặp Yasukawa tại Kakinoki, và vì Yasukawa làm công việc sản xuất ma-nơ-canh, cả hai có thể có cùng mối quan tâm đến nghệ thuật tạo hình. Yasukawa 28 tuổi vào thời điểm xảy ra các vụ án mạng. Anh ta là một trong số rất ít nghi can vẫn còn sống. Anh ta từng có thời phục vụ trong quân ngũ và hiện tại vẫn sống ở Kyoto. Tôi phải tới gặp anh ta trước khi anh ta chết - hoặc trước khi tôi chết.

Trong số ngững người quen khác của Heikichi ở Kakinoki, người duy nhất tôi đã gặp là Toshinobu Ishibashi, một họa sĩ sống gần quán rượu. Anh ta 30 tuổi vào thời điểm xảy ra án mạng - ngẫu nhiên sao lại cùng tuổi với tôi. Gia đình anh ta có một quán trà, vẽ vời chỉ là nghề tay trái. Có lẽ Ishibashi phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình và bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật thông qua các cuộc thi. Vì mong ước được tới Paris, điều rất ít người khi đó có thể làm nổi, nên Toshinobu rất thích nói chuyện với Heikichi về những chuyến phiêu lưu bên Pháp. Tôi đã tới gặp Ishibashi tại quán trà ở Kakinokizaka, hiện vẫn do gia đình anh ta quản lý. Anh ta kể chuyện chiến đấu trong chiến tranh, thoát chết trong gang tấc. Toshinobu đã thôi vẽ vời, nhưng con gái anh là tốt nghiệp sinh của trường nghệ thuật. Ishibashi hào hứng tiếp chuyện tôi, kể rằng trong chuyến đi tới Paris mới đây, anh phấn khởi vì đã tìm được một nhà hàng mà Heikichi đã kể lúc trước. Vợ Toshinobu lịch thiệp và tử tế, còn cô nhân viên thì rất thân thiện. Ishibashi cũng có chứng cứ ngoại phạm, đương nhiên chẳng có lý do gì khiến anh ta phạm tội giết người cả. Khi tôi chuẩn bị ra về, Ishibashi mời tôi trở lại quán trà bất kỳ lúc nào. Lời mời chân thành và tôi nghĩ tôi sẽ quay lại.

Quán rượu Kakinoki không còn nữa. Satoko, người đã được loại trừ khỏi diện nghi vấn, đóng cửa quán khi trở thành tình nhân của Ogata. Ogata đã có vợ và gia đình, vì vậy mọi việc trở nên rất phức tạp. Con trai ông tiếp tục công việc sản xuất kinh doanh ma-nơ-canh, nhưng đã chuyển nhà máy tới Kanakoganei.

Nhờ các kỹ năng xã hội của Yasue, phòng tranh de Médicis là một nơi quen thuộc với các nghệ sĩ trung niên: các họa sĩ, nhà điêu khắc, người mẫu, thi sĩ, nhà viết kịch, nhà viết tiểu thuyết và cả giới làm phim. Họ tụ họp ở đó và thảo luận sôi nổi về nghệ thuật. Cho dù là một vị khách thường xuyên nhưng Heikichi cũng không giao du nhiều với những nghệ sĩ này, ông nghĩ rằng họ là những kẻ hợm hĩnh.

Tuy nhiên, Heikichi có duy trì tình bạn với một nhà điều hành tên là Motonari Tokuda. Tokuda là một trí thức tinh tường sở hữu một xưởng nghệ thuật ở Mitaka. Ở tuổi 40, ông đã rất nổi tiếng. Heikichi mê mẩn những tác phẩm điêu khắc của Tokuda, nên các điều tra viên ngờ rằng Tokuda có ảnh hưởng đến những ý niệm của Heikichi về Azoth. Tôi đã gặp Tokuda khi ông ấy bị cảnh sát thẩm vấn. Ông ta có mái tóc dài, rối bù, hai gò má hõm sâu, trông như một nghệ sĩ gàn dở. Tuy nhiên, Tokuda có chứng cứ ngoại phạm và được thả. Lý lẽ bào chữa của ông là ông không có khái niệm gì về cách điều khiển một chiếc xe hơi. Hơn nữa, ông chưa bao giờ tới xưởng vẽ của Heikichi, cũng chẳng hề biết Kazue. Nếu ai đó từng xem các tác phẩm của Tokuda thì sẽ thấy rõ ràng rằng nghệ thuật như thế không thể xuất phát từ tâm hồn một kẻ sát nhân. Ông đột ngột qua đời vào đầu năm 1965, xưởng nghệ thuật được cải tạo thành Bảo tàng Motonari Tokuda.

Qua Tokuda, Heikichi làm quen với một họa sĩ là Gozo Abe. Anh chàng này là người theo chủ nghĩa hòa bình: các tác phẩm của anh ta truyền tải thông điệp phản chiến từ năm 1936, do vậy mà anh ta bị các nghệ sĩ cùng thời tẩy chay - cảnh ngộ mà cả anh ta và Heikichi có thể cùng chịu chung. Abe khi đó mới ngoài 20, trẻ hơn Heikichi một thế hệ nên không chắc là họ biết rõ về nhau. Họa sĩ trẻ sống ở Kichijoji, cách xa Meguro. Anh chàng chưa bao giờ tới xưởng vẽ của Heikichi. Mặc dù không có chứng cứ ngoại phạm thuyết phục nhưng anh ta chẳng có lý do gì để phạm tội cả. Thời chiến tranh, Abe bị đẩy sang Trung Quốc. Các sĩ quan quân đội đối xử rất tệ và gán cho anh chàng họa sĩ danh hiệu “tư tưởng gia bất lợi”. Suốt thời gian quân ngũ anh chàng cũng chỉ là gã lính trơn. Trở về Nhật Bản, Abe ly dị vợ, cưới một phụ nữ trẻ hơn và chuyển sang Nam Mỹ. Anh ta mất ở Nhật năm 1955, cũng có được một chút tiếng tăm trong giới nghệ sĩ. Bà vợ hiện quản lý cà phê “Grell” cũng dành cho giới nghệ sĩ. Các bức vẽ của Abe được treo khắp tường trong quán cà phê.

Tại de Médicis, Heikichi còn quen biết họa sĩ Yasuchi Yamada. Yamada có tính cách nhẹ nhàng và Heikichi làm thân với người này một cách dễ dàng. Thực tế, Heikichi đã tới nhà Yamada hai lần, có lẽ vì bị cuốn hút bởi Kinue vợ của Yamada. Không những từng là người mẫu, Kinue còn là một nhà thơ. Heikichi rất thích Rimbaud[1], Baudelaire[2] và Hầu tước xứ Sade[3], và có vẻ như hai người cùng chung sở thích. Dường như Kinue cũng rất hâm mộ các tác phẩm của Andre Milhaud, nghệ sĩ mà Heikichi lấy cảm hứng. Yasushi và Kinue đều mất vào giữa những năm 1950. Họ đều có chứng cứ ngoại phạm, chưa bao giờ tới xưởng vẽ của Heikichi và cũng không có động cơ sát hại ông.

[1] Jean Nicolas Arthur Rimbaud (1854-1891) - nhà thơ Pháp, một trong những người sáng lập trường phái thơ tượng trưng.

[2] Charles Pierre Baudelaire (1821 - 1867) nhà thơ lớn của Pháp thế kỷ 19, thuộc trường phái tượng trưng chủ nghĩa.

[3] Tên thật là Donatien Alphonse Francois (1740 - 1814), nhà văn và nhà cách mạng người Pháp. Ông nổi tiếng nhất với những tiểu thuyết mang tính khổ dâm và bạo dâm, mô tả những cảnh tình dục mang tính tàn bạo trong đó nhân vật bị tra tấn, hành hạ đau đớn; đặc biệt lồng ghép nội dung khiêu dâm với các chủ đề triết lý, xã hội, đả kích nhà thờ…

Trong số tất cả những người này, người duy nhất nổi lên là Tamio Yasukawa, công nhân tại xưởng sản xuất ma-nơ-canh. Tuy nhiên, thật khó tin được rằng các điều tra viên lại không đưa anh ta vào diện nghi vấn. Yasukawa sống trong một khu tập thể chỉ cách nơi làm việc khoảng mười phút đi bộ. Phần lớn thời gian rảnh anh ta bù khú với cánh đồng nghiệp. Chứng cứ ngoại phạm của anh ta không vững vàng: Yasukawa nói rằng anh ta đi xem phim. Tuy nhiên anh ta mới chỉ biết Heikichi ba tháng trước khi xảy ra vụ Azoth, ai lại thực hiện giết người hàng loạt vì một kẻ điên mới quen được ba tháng? Và nếu đúng là anh ta làm như vậy thì anh ta thực hiện việc đó ở đâu, khi nào? Có vẻ như không thể.

Ở đây có ba vụ án tách biệt - vụ giết Heikichi Umezawa, vụ sát hại Kazue Kanemoto, và vụ án Azoth. Sau quá nhiều năm, bí ẩn này có thể chôn vùi theo hung thủ rồi. Tôi rất tiếc vì không thể tiến xa hơn được nữa. Đúng như Phòng Điều tra Hình sự kết luận, tất cả các nghi can dường như đều vô tội.

Kể từ khi về hưu, hàng ngày tôi đều nghĩ về vụ án này. Giờ đây, tôi thấy suy nghĩ của mình luẩn quẩn và chẳng đi tới đâu cả. Tôi càng ngày càng già, cảm thấy mình đang dần suy giảm cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Những ngày tháng sống trong lo âu căng thẳng đã khiến tôi mắc bệnh ung thư. Tôi không còn sống được lâu và sẽ chết mà không được biết sự thật.

Quan điểm sống của tôi quá ư ôn hòa, chẳng bao giờ đi ngược với xu hướng chung. Là một người bình thường, tôi muốn kết thúc cuộc đời của mình như một người bình thường, nhưng thật xấu hổ là tôi đã không làm được như vậy. Tôi rất mong ai đó sẽ giải đáp được bí ẩn này. Không chỉ cho tôi và công việc mà tôi bị buộc phải can dự vào, mà còn cho công lý. Tất cả những gì tôi có thể làm lúc này là cầu nguyện. Thật xấu hổ là tôi vẫn không có đủ can đảm để kể mọi chuyện với con trai tôi.

Tôi đốt phần ghi chép này hay giữ nó sẽ là quyết định cuối cùng của đời tôi. Nếu có bất kỳ ai đọc được nó sau khi tôi chết, tôi tự hỏi liệu người đó có thấy thú vị không, băn khoăn trăn trở của tôi ấy… liệu có giống như chàng Hamlet[4]?

Bunjiro Takegoshi

[4] Tên nhân vật chính trong bi kịch cùng tên của nhà soạn kịch vĩ đại người Anh William Shakespeare (1564 - 1616). Thời cuộc và nghịch cảnh của bản thân đã gây ra trong tâm hồn Hamlet những phút đau đớn, bi quan, hoài nghi, do dự, những phút trăn trở “tồn tại hay không tồn tại” (to be or not to be), những phút “chịu đựng hay vùng lên chống lại”.
 
Chương 22: Thêm suy đoán


Cảnh 1: Một chút ma thuật

“Chà, anh có nghĩ ông Takegoshi tới Kyoto gặp tay Yasukawa không?” Kiyoshi trầm giọng hỏi tôi.

“Không, tôi nghĩ rằng có lẽ Takegoshi mất mà không kịp gặp Yasukawa.”

“Bạn tôi ơi, ghi chép của ông ấy chắc chắn sẽ giải đáp cho một vài câu hỏi, đúng không nào? Hãy nói về chuyện bất ngờ đến với chúng ta nhé. Chúng ta là những người duy nhất biết chuyện này.”

“Được, rất hay! Tôi rất may mắn được biết anh!”

“Hừm. Nếu Van Gogh có bạn bè thì chắc họ cũng chỉ nói được những lời giống nhau về ông ấy mà chẳng hề biết tài năng thật sự của họa sĩ thiên tài. Thế sách vở có nói gì về Yasukawa không?”

“Có, nhưng phần ghi chép của ông Takegoshi cho chúng ta biết nhiều chi tiết hơn hẳn.”

“Anh biết không, ấn tượng trong tôi về ghi chép của Takegoshi và của Heikichi là giống nhau. Đó là chúng được cố tình viết ra để cho công chúng xem.”

“Tôi đồng ý.”

“Rõ ràng Takegoshi quyết định không đốt nó. Tôi không nghĩ ông ấy có thể làm như vậy,” Kyoshi nói và đứng lên. “Cuộc đời Takegoshi mới buồn làm sao. Không ai khi đọc những lời thú nhận đó mà lại không cảm nhận được thái độ vô cùng ân hận của ông ấy. Là một thầy bói, tôi đã được nghe tất cả mọi tiếng nói kể từ khi tôi mở văn phòng ở đây. Anh có biết âm thanh của thành phố này là gì không? Những tiếng gào thét! Tất cả những tòa nhà kia đều xám xịt buồn tẻ. Đôi lúc tôi tự nhủ, “Nghe thế đủ rồi, giờ phải ra tay giúp đỡ thôi. Chúng ta không thể cho phép mình bị cản trở thêm nữa. Đã đến lúc phải tiến về phía trước.” Kiyoshi lại ngồi xuống. “Ông Takegoshi muốn có ai đó giải đáp bí ẩn, cho dù danh tiếng ông ấy có bị hủy hoại. Nhiệm vụ của chúng ta là giải quyết vụ này.”

“Chắc chắn rồi.”

“Cho nên bây giờ chúng ta đã có thông tin này, chúng ta hãy bắt đầu phân tích vụ việc. Nhưng có điều tôi không hiểu - qua phần giải thích của anh và qua cả phần ghi chép của Takegoshi - tôi thật sự không hiểu nổi.”

“Chỗ nào?”

“Tại sao người ta lại nghi ngờ đám phụ nữ nhà Umezawa giết Heikichi nhỉ? Khi ông ấy bị sát hại, Masako và tất cả cô gái, ngoại trừ Tokiko, đều ở nhà. Nếu đám phụ nữ ở nhà hôm đó giết Heikichi, họ đâu cần phải giả vờ như đó là một vụ án mạng thực hiện trong căn phòng khóa trái. Nếu họ làm như thể họ vô can thì bất kỳ đặc điểm thông thường nào của vụ giết người cũng sẽ bị phát giác.”

“Đúng, nhưng các điều tra viên sẽ cho là họ nói dối. Dấu chân trên tuyết vẫn đang là bí ẩn với chúng ta.”

“Có rất nhiều cách lý giải xung quanh chi tiết đó. Dấu chân có thể là giả tạo. Ý tưởng kéo giường lên cao… chà, thật sự không có tác dụng lắm. Hãy nghĩ xem nhé: sự bất tiện, cơn bão tuyết, sức lực cần có và không có gì bảo đảm rằng Umezawa sẽ ngủ cả. Điều đó chắc không thể xảy ra.”

“Đợi một chút! Anh là một trong những người tán đồng ý tưởng đó ngay từ đầu cơ mà. Giờ anh thật sự khiến tôi rối tung lên. Thế anh giải thích thế nào về sợi dây và chai thuốc độc tìm thấy trong nhà chính? Hay anh lại cho rằng hung thủ bỏ lại mấy thứ đó để đổ tội cho đám phụ nữ?”

“Rất có thể như vậy.”

“Anh nghĩ ai sẽ làm việc đó? Một người quen - chẳng hạn Yoshio hoặc Ayako hay Tae à? Ai nào?”

“Có thể là một kẻ lạ, một tên trộm chẳng hạn.”

“Sao cơ?!”

“Tôi chưa có ý kiến cụ thể.”

“Anh phải cố gắng nữa đi, hoặc chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả. Chúng ta cứ chỉ trích các điều tra viên bắt người vô lý, nhưng chúng ta phải thấy việc bắt giữ Masako là dựa trên quá trình điều tra hiện trường vụ án, nơi chúng ta chưa bao giờ được thấy, một bất lợi của chúng ta. Cho nên hãy quay lại với ba người này. Tae thì chưa bao giờ tới gần ngôi nhà của Umezawa sau khi ly hôn. Yoshio và Ayako chắc chắn sẽ không giết chính các con đẻ của mình chỉ với mục đích để Masako bị liên can. Chẳng còn ai khác cả.”

“Dù như vậy thì việc đó vẫn do một con người như anh hoặc tôi thực hiện. Làm sao chuyện này lại khó đoán thế nhỉ?”

“Theo ý kiến của tôi, chỉ còn lại hai khả năng. Một là có gì đó vượt xa khả năng suy luận của chúng ta cho tới giờ…”

“Phép thuật ư?”

“Nào, Kiyoshi, anh biết tôi sẽ chẳng bao giờ nói thế mà, cái tôi đang nói là, việc này được một hoặc nhiều kẻ bên ngoài thực hiện, một ai đó không phải người trong gia đình. Bức thư gửi cho Takegoshi có lẽ không phải là giả mạo. Cơ quan mật vụ có thể đang đợi cơ hội giết cả nhà Umezawa. Nếu là đúng thế thì vụ này ngoài tầm kiểm soát của chúng ta rồi.”

“Nhưng chúng ta đã phủ nhận khả năng đó, phải không nào?” Kiyoshi đáp.

“Ok. Đúng, tôi cho là vậy. Ý tưởng nữa là Heikichi không hề bị giết. Ông ta biến mất bằng một mẹo nào đó và để lại dấu chân trên tuyết. Heikichi kiếm được một người giống hệt mình, nhưng không có râu. Ông ta giết người đó, đánh nạn nhân biến dạng đến mức không thể nhận diện được. Như thế, gia đình Umezawa sẽ không thể nhận diện được người đó. Điều này giải thích lý do tại sao Heikichi suốt ngày ở trong xưởng vẽ. Ẩn mình trong đó, ông ta đã vạch ra một kế hoạch hoàn hảo đền từng chi tiết. Khi cái chết của mình được xác nhận, Heikichi có thể làm bất kỳ việc gì như một kẻ vô hình - giết các con gái và cháu gái, tạo ra Azoth, có một cuộc sống mới. Anh nghĩ tại sao cái con người sống khép kín này lại mò ra ngoài uống rượu chứ? Để tìm kiếm người giống hệt mình! Ông ta không muốn vợ mình phát hiện ra có xưởng vẽ bí mật khác, cho nên ông ta đặt bẫy để bà ấy bị bắt. Đúng, chính là như thế! Rất hợp lý!”

“Hừm, không tệ tí nào. Nếu Heikichi là hung thủ duy nhất, vụ việc có thể dễ giải quyết hơn. Nhưng có quá nhiều điều vẫn không khớp với nhau. Ví dụ, không thể tin nổi gia đình Umezawa lại không nhận ra được một kẻ giống hệt Heikichi.”

“Còn gì nữa nào?”

“Lẽ nào ông ấy không muốn hoàn tất tác phẩm để đời của mình chứ? Tại sao bức vẽ thứ 12 lại bị bỏ dở?”

“Để giả vờ là ông ta bị giết.”

“Tôi nghĩ chính anh nói như thế.”

“Hoặc Azoth có thể là bức vẽ thứ 12?”

“Để tôi tiếp tục nhé. Thêm một câu hỏi nữa: tại sao Kazue bị giết?”

“Bởi vì Heikichi muốn dùng nhà cô ấy để tạo và giữ Azoth…”

“Không phải!” Kiyoshi hăng hái nói. “Tôi tin chắc Heikichi sẽ tìm một nơi tốt hơn gần núi Yahiko. Nhà Kazue có thể là một địa điểm bị cảnh sát giám sát. Tôi đã nói với anh điều này từ trước rồi, cho nên đừng nhầm lẫn nữa! Trước khi chết, Kazue quyến rũ Takegoshi. Anh có cho rằng đây là một phần trong kế hoạch của Heikichi không? Mục đích là gì? Ông ta có thể tự mình xử lý những cái xác cơ mà.”

“Lợi dụng một cảnh sát trẻ tốt hơn là tự tay thực hiện.”

“Nhưng làm thế nào ông ấy thuyết phục được Kazue, con gái riêng của vợ, ngủ với một người lạ mặt chứ?”

“Ông ta dựng lên một câu chuyện hoặc gây sức ép với cô gái bằng cách nào đó.”

“Thêm hai câu hỏi khó nữa đây. Tại sao Heikichi để lại phần ghi chép? Nếu anh ta còn sống sau khi gây án thì phần ghi chép này sẽ khiến ông ta gặp nguy hiểm. Và làm thế nào ông ta thoát ra khỏi xưởng vẽ đã được khóa kín từ bên trong? Đó là câu hỏi khó nhất đấy.”

“Chính xác,” tôi đáp. “Tôi sẽ tập trung vào câu hỏi thứ hai. Tôi cho rằng đó sẽ là mấu chốt để xác định xem liệu tôi có tin Heikichi có thực sự bị giết hay không. Chúng ta không thể nghĩ ra nghi can nào khác. Thật khó tin rằng có một gia đình có tới ba vụ án mạng do những hung thủ khác nhau thực hiện. Anh thấy đấy, một khi trở thành người vô hình, ông ta sẽ cần đến một chút ma thuật. Tôi sẽ tìm ra cách anh ta làm ra việc đó.”

“Chà, chúc may mắn!”
 
Chương 23: Cảnh 2: Chuyến viếng thăm khiếm nhã


Về đến nhà tôi lên giường đi ngủ nhưng đầu óc vẫn không ngừng quay cuồng. Cho dù Kiyoshi nói gì đi chăng nữa thì lúc này tôi vẫn tin rằng Heikichi không hề bị sát hại. Tôi chắc chắn như vậy. Tôi chưa tìm ra cách nào khác để giải thích bí ẩn này. Chắc chắn ông ta phải giết một người giống hệt mình, sau đó… thoát ra khỏi xưởng vẽ chăng? Không, ông ta không thể khóa trái cửa từ bên ngoài. Thế nếu Masako và các con gái của mình sát hại người giống hệt Heikichi - lúc này đã bị nhốt trong phòng - vì họ tin rằng họ đang xuống tay với Heikichi thì sao?

Đúng, chính là như vậy!

Để xây một chung cư trên mảnh đất của họ, Masako cùng các con và cháu gái lên kế hoạch sát hại Heikichi, nhưng hóa ra họ lại giết nhầm người. Sau đó Heikichi hăm dọa Kazue, vốn cũng là một trong số các thủ phạm, nói rằng ông ta sẽ tố cáo họ với cảnh sát… sau đó ép cô ta dụ dỗ viên cảnh sát để đổi lại một chút an toàn.

Hay lắm, âm mưu đó thật hoàn hảo!

Giả thiết của Takegoshi không thể lý giải được bí ẩn vụ án mạng của Kazue nhưng của tôi thì lại có thể. Heikichi biết rõ tội của đám phụ nữ và quay sang đe dọa Kazue! Nhưng tai sao lại phải giết cô ấy? Chà, chỉ có kẻ điên mới làm điều đó vì không có lý do gì để phải giết Kazue cả. Những người không tin rằng Heikichi đã chết đều cho rằng ông ta sử dụng em trai mình là Yoshio làm người thế mạng, nhưng tôi nghĩ sử dụng một người lạ mặt thì khả dĩ hơn. Sau khi hoàn thành việc giết người, Heikichi có thể trở thành vô hình, trốn tới đâu đó và tiếp tục tạo ra Azoth…

Tôi cần tìm ra bằng chứng cho thấy Heikichi cẫn còn sống sau vụ án. Khi đó, tôi sẽ sẵn sàng bác lại luận điểm của Kiyoshi. Đúng! Từ ngày mai, tôi sẽ đóng vai Sherlock Holmes và Kiyoshi sẽ là bác sĩ Watson!

Cuối cùng, thỏa mãn với kết luận của mình, tôi cũng lăn ra ngủ.

Ngày hôm sau, tôi hỏi Kiyoshi xem cậu có thu hoạch gì mới không. Thay vì trả lời cậu chỉ làu bàu trong miệng. Tôi đoán rằng cậu sẽ kinh ngạc khi tôi nói ra ý tưởng của mình.

“Anh vẫn nghĩ rằng đám phụ nữ kéo chiếc giường lên trần nhà sao?” Kiyoshi vặn lại ngay. “Giết kẻ thế mạng ông ấy à? Làm cách nào Heikichi có thể nhốt người đó trong xưởng vẽ? Đám phụ nữ sống ngay sát bên, họ sẽ nhận ra có chuyện bất thường. Theo giả thiết của anh, Heikichi sẽ phải đợi cho tới khi kẻ thế mạng mọc râu trong lúc dạy người đó vẽ!”

“Dạy vẽ ư?”

“Dĩ nhiên. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu kẻ thế mạng không biết vẽ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đám phụ nữ nhìn thấy một kẻ vẽ quả dưa chuột trong khi mắt nhìn quả bí ngô? Thật ngớ ngẩn!”

Kiyoshi châm chọc khiến tôi nổi khùng. “Thế anh giải thích sao về vụ Kazue?” Tôi thách thức. “Anh không có ý kiến gì, phải không? Takegoshi cũng không có. Tôi tin suy luận của mình là đúng, ít nhất cho tới khi anh đưa ra một ý tưởng hay ho hơn.”

Kiyoshi im lặng. Chắc phản ứng của tôi làm cậu bất ngờ. Vì thế tôi tiếp tục. “Sherlock Holmes đã giải quyết xong vụ này và tiếp tục sang phần sau. Hãy thử nhìn anh xem: cả ngày chỉ nằm dài trên trường kỷ. Tại sao anh không năng động lên một chút nhỉ?”

“Sherlock Holmes á? Là ai thế?” Kiyoshi hỏi, ngừng lại để gây hiệu quả. “Ồ, ý anh là cái tay người Anh khôi hài - cái gã dối trá, lỗ mãng và nghiện ma túy cứ luôn nhầm lẫn giữa sự thật với tưởng tượng ấy hả?”

Tôi không thể tin vào tai mình. Rồi nổi cáu thật sự và quát ầm lên, “Thế còn anh là gì chứ? Thám tử cừ nhất thế giới ư? Làm sao anh dám cười nhạo ông ấy? Làm sao anh dám gọi ông ấy là kẻ lỗ mãng chứ? Làm sao anh dám gọi ông ấy là kẻ dối trá chứ?”

“Ồ, anh đúng là một gã người Nhật dại dột điển hình, Kazumi ạ. Cảm nhận về giá trị của anh hoàn toàn dựa vào cảm tính.”

“Anh không cần phải phê phán tôi, xin cảm ơn. Hãy giải thích tại sao anh lại nghĩ Holmes là kẻ dối trá. Và tại sao anh lại bảo ông ấy là lỗ mãng?”

“Chậc, có rất nhiều lý do để khẳng định… Để tôi xem nào… Anh thích vụ nào nhất trong các vụ án của Sherlock Holmes?”

“Tôi thích tất!”

“Thì cứ chọn một vụ đi.”

“Được rồi… Dải băng lốm đốm. Chính là vụ mà ngay Arthur Conan Doyle cũng thích, và là câu chuyên nổi tiếng nhất của ông ấy.”

“Ồ, vụ đó à! Một vụ khó hiểu nhất trong số tất cả các vụ của ông ấy. Đó là câu chuyện về một con rắn, đúng không? Nếu anh nhốt con rắn trong một hộp kín, nó sẽ chết ngoẻo vì thiếu dưỡng khí. Giả sử nó có sống được trong đó, thì rắn cũng không hề thích sữa. Anh đã bao giờ nhìn thấy có loài bò sát nào cho con chúng bú sữa chưa? Chỉ động vật có vú mới làm như vậy. Và còn chi tiết người dùng còi để điểu khiển rắn nữa chứ? Thực tế thì rắn không thể huấn luyện được. Chúng không có tai, làm sao nghe và tuân theo hiệu lệnh của con người được? Đó là những kiến thức hết sức sơ đẳng. Có phải là Holmes rất ngớ ngẩn hay đại loại như thế không nào? Các tình tiết rất phi thực tế nên tôi buộc phải cho rằng câu chuyện do bác sĩ Watson dựng lên. Ông ta viết ra nó cứ như thể ông ta ở cùng với Holmes, nhưng có lẽ Holmes chỉ tình cờ có ý tưởng khi loáng thoáng nghe hóng ở đâu đó thôi. Holmes là người nghiện ma túy và ông ấy kể với Watson bất kỳ chuyện cũ gì nảy ra trong đầu mình. Thực tế, nhìn thấy rắn cũng là một ví dụ điển hình của người đang bị ảo giác.”

“Holmes có thể đoán được nghề nghiệp và tính cách của một người chỉ với cái liếc mắt đầu tiên. Ông ấy cảm nhận nhạy bén hơn anh nhiều.”

“Ờ, tôi bó tay với khả năng suy luận của gã thám tử ấy! Thật là gượng gạo! Chẳng hạn, trong vụ án bộ mặt vàng vọt, khách hàng tìm thấy một cái tẩu và Holmes bắt đầu suy luận về chủ nhân của nó. Theo Holmes, chủ nhân rất nâng niu cái tẩu này, bời vì ông ta đã sửa nó, tiền sửa ngang với giá của chính cái tẩu. Holmes cũng nói rằng chủ nhân thuận tay trái vì ông ta châm tẩu bằng lửa đèn chứ không phải bằng diêm, nên phải dùng tay trái giữ tẩu. Do đó, cái tẩu bị sém ở mé bên phải. Chắc chắn, nếu cái tẩu giá trị với chủ nhân của nó đến vậy thì ông ta cũng không bất cẩn đến độ để nó bị sém lửa. Thêm nữa, nếu anh dùng tẩu thì anh sẽ dùng tay nào? Anh sẽ không dùng tay thuận của mình, đặc biệt nếu anh hút trong khi làm việc khác. Cho nên chúng ta không thể xác định được liệu người đó có thuận tay trái hay không. Chỉ có Watson mới chấp nhận kiểu suy luận mơ hồ của Holmes. Chậc, có lẽ đó chỉ là một trò đùa - hay một ví dụ về khiếu hài hước dở ẹc.”

“Còn gì nữa nào?... Holmes là bậc thầy về cải trang phải không? Ông ấy ăn mặc như một bà già, đội mái tóc bạc giả, đeo lông mày giả, tay cầm ô, và đi dạo. Anh có biết Holmes cao chừng nào không? Hơn 180 cm! Rõ ràng, bà già đó trông chẳng khác gì một gã đàn ông - hay một con quái vật! Tất cả mọi người ở London chắc chắn sẽ ngã lăn trên sàn và cười gào lên: Kia chính là ông Sherlock Holmes ngớ ngẩn! Chỉ có Watson mới không nhận ra.”

“Watson nói Holmes có thể là một võ sĩ đấm bốc rất cừ. Làm sao ông ta biết được điều đó? Có lẽ Holmes, một kẻ nghiện ma túy, thỉnh thoảng lại nổi hung và đánh ông ta. Tội nghiệp bác sĩ Watson! Nhưng ông ta chẳng thể nào bỏ Holmes, vì Holmes cung cấp cho ông ta tư liệu để viết truyện. Chắc Watson phải rất cố gắng để làm cho Holmes vui vẻ. Mỗi lần Holmes trở về sau khi đi dạo, Watson lại phải vờ như không biết đó chính là ông ấy. Đó là cách Watson kiếm sống. Sao nào? Có chuyện gì không ổn với anh à, Kazumi?”

“Sao anh dám nói những điều như thế chứ? Thật là báng bổ! Anh sẽ chịu nghiệp báo rất nặng bạn ạ!”

“Ôi, phù! Mà nhân tiện, anh nói rằng tôi kém Holmes trong việc phỏng đoán tính cách của ai đó, anh nhầm rồi. Tôi nghiên cứu tử vi và tin rằng đó là cách tốt nhất để biết về mọi người. Tôi cũng nghiên cứu bệnh học tâm thần và dĩ nhiên là cả thiên văn. Để biết tính cách ai đó, tốt nhất là hỏi thời gian họ chào đời. Một số khách hàng không biết chính xác họ chào đời khi nào. Chậc, tôi có thể dễ dàng đoán ra ngày sinh của họ xét từ tính cách và ngoại hình. Anh thấy đấy, tôi gần như luôn đoán đúng. Một khi tôi có đủ dữ kiện, tôi có thể khám phá được tính cách khách hàng. Holmes sinh ra tại Anh quốc, ông ấy cũng không hề nghiên cứu tử vi. Đó là điều đáng tiếc. Tử vi sẽ giúp ông ấy làm việc tốt hơn.”

“Tôi biết anh tinh tường về xét đoán tính cách con người,” tôi đáp, “nhưng anh biết gì về thiên văn nào?”

“Làm sao tôi có thể trở thành một nhà chiêm tinh nếu tôi không hiểu gì về thiên văn chứ? Ồ, tôi hiểu, anh hoài nghi bởi vì anh chưa bao giờ thấy tôi nhìn vào kính thiên văn. Chà, tôi có một cái đấy, thực tế thì nó vô dụng tại Tokyo; thứ duy nhất chúng ta có thể nhìn thấy ở đấy là các phân tử sương lẫn khói. Tuy nhiên, thông tin của tôi tương đối cập nhật đấy. Ví dụ nhé, tất cả chúng ta đều biết rằng Sao Thổ có vành khăn xung quanh. Anh có biết hành tinh nào tương tự như vậy trong hệ mặt trời không?”

“Chẳng còn hành tinh nào nữa.”

“Anh nhầm rồi. Đó là kiến thức cách đây vài thập kỷ. Chẳng sao cả, người Nhật còn nghĩ rằng có con thỏ ngọc đang giã bột làm bánh trên mặt trăng[1]. Anh không tin chuyện đó đúng không?”

[1] Theo truyền thuyết, người Nhật tin rằng có thỏ ngọc sống trên mặt trăng vì thế khi ngắm trăng họ thường tưởng tượng như đang thấy hình chú thỏ đang ăn bánh bao, hoặc đang giã bánh Tsukimi Dango. Bánh Dango là loại bánh được làm từ bột gạo, bánh tròn mềm, với sốt mặn, ngọt đặc trưng, thường được xiên vào que tre, và ăn kèm với nước trà xanh.

Tôi không trả lời.

“Tôi không có ý làm mếch lòng anh đâu, Kazumi, nhưng mỗi phút trôi qua, nghiên cứu khoa học lại tiến bộ thêm. Sớm hay muộn, các trường tiểu học cũng sẽ dạy trẻ con về cách di chuyển của sóng điện từ trong vũ trụ cũng như sự liên quan giữa trọng lực, thời gian và không gian. Trong tương lai không xa, bọn trẻ sẽ nhìn chúng ta như đám khủng long. Giờ ta trở lại với hệ mặt trời nhé, sao Thiên Vương cũng có vành khăn, Sao Mộc cũng thế. Nhưng sự thật này mới được phát hiện mà thôi. Tôi xin hân hạnh được thông báo những tin tức mới mẻ này.”

Trông Kiyoshi khá nghiêm túc, nhưng tôi thấy câu chuyện của cậu nghe rất đáng nghi. “Đồng ý là anh hiểu biết về Holmes và thiên văn học,” tôi nói, “vậy theo anh ai là thám tử giỏi nhất nào? Anh đã bao giờ đọc loạt truyện về cha Brown[2] chưa?”

“Ai cơ? Tôi chẳng biết gì về mấy người Công giáo.”

“Thế còn Philo Vance[3]?”

“Cái gì? Loại xe tải nào cơ?”

“Còn Bà Jane Marple[4] nữa?”

“Như trong xi rô quả thích ấy à?[5]”

“Vậy thanh tra Maigret[6]?”

“Ông ta là cảnh sát ở Meguro[7] à?”

“Hercule Poirot[8]?”

“Nghe như tên một loại rượu nào đó.”

“Thám tử Dover[9]?”

“Ý anh là một loại cá à? Không.”

[2] Nhân vật trong loạt truyện trinh thám của nhà văn người Anh Gilbert Keith Chesterton (1874 – 1936). Cha Brown phá án thông qua quá trình lý luận chặt chẽ quan tâm nhiều hơn tới chân lý tâm linh và triết học chứ không phải là chi tiết khoa học, khác với phương pháp của Sherlock Holmes, phương pháp Cha Brown có xu hướng trực quan hơn là suy diễn.

[3] Nhân vật thám tử trong loạt truyện trinh thám của nhà văn Mỹ Willard Huntington Wright (1888 – 1939).

[4] Nhân vật nữ thám tử nghiệp dư trong loạt truyện trinh thám của nhà văn người Anh Agatha Christie (1890 - 1976)

[5] Ở đây tác giả chơi chữ. Cái tên “Vance” khi đọc, có âm phát ra giống với danh từ “vans” (hình thái số nhiều của từ xe tải) trong tiếng Anh. Còn Marple đọc giống từ “maple” (xi rô quả thích).

[6] Cảnh sát thám tử người Pháp, nhân vật torng loạt truyện trinh thám của tác giả người Bỉ Georges Simenon (1903 - 1989).

[7] Ở đây tác giả chơi chữ. Cái tên “Maigret” theo phiên âm tiếng Nhật thì nó sẽ được đọc là “Ma-gu-rê,” nghe từa tựa như Maguro vừa có nghĩa là cá ngừ đại dương vừa là một địa danh ở Nhật Bản.

[8] Thám tử tư người Bỉ, nhân vật trong loạt truyện trinh thám của nhà văn người Anh Agatha Christie.

[9] Nhân vật thám tử ở Sở cảnh sát Metropolitan trong loạt truyện trinh thám của tác giả người anh Joyce Porter (1924 - 1990).
 
Chương 24


“Tôi chẳng biết nói thế nào với anh nữa. Anh chưa hề đọc bất kỳ chuyện trinh thám nào trong số này, thế mà vẫn khăng khăng cho rằng truyện của Sherlock Holmes là vớ vẩn.”

“Tôi đâu có nói tôi không thích Holmes. Thực tế, Holmes là một trong những thám tử tôi yêu thích nhất. Tôi thích tính hài hước của ông ấy. Chúng ta sẽ không đời nào quan tâm đến những người hành xử như những cái máy tính, phải không? Holmes cho chúng ta thấy một con người thật sự là như thế nào. Xét theo khía cạnh đó thì ông ấy rất tuyệt.”

Phần bổ sung của Kiyoshi khiến tôi ngạc nhiên, cho dù nó có phần châm biếm. Tôi cảm thấy khá xúc động. Thấy tôi mỉm cười, cậu vội vã nói thêm, “Nhưng có một điều tôi thật sự không đồng ý với Holmes: việc ông ấy dính líu đến chính phủ Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Holmes bào chữa cho việc bắt giữ các gián điệp của Đức, nhưng lại phớt lờ sự thật là Anh quốc cũng có cả gián điệp. Nếu anh xem bộ phim Lawrence xứ A rập, anh sẽ thấy nước Anh rất hai mặt trong chính sách ngoại giao với Arập. Thậm chí nhìn xa hơn về quá khứ xem Anh quốc đối xử với người Trung Quốc ra sao trong Chiến tranh Nha phiến. Làm sao Holmes có thể bào chữa cho những hành động đê tiện nhường ấy? Lẽ ra Holmes đừng bao giờ tham gia vào các tội ác chính trị của quốc gia. Anh có thể ngụy biện rằng chính tình yêu tổ quốc đã thôi thúc Holmes, nhưng công lý phải đặt lên trên lòng yêu nước. Danh dự của Holmes đã bị hủy hoại vào những năm cuối đời. Khi cùng với Moriarty ngã xuống thác nước, chắc chắn Holmes đã chết. Kẻ mà chúng ta biết đến như là Sherlock Holmes sau sự cố đó là một kẻ mạo danh mà Anh quốc dùng để tuyên truyền. Thực tế thì, chúng ta có thể thấy…”

Bài giảng của Kiyoshi bị ngắt quảng bởi tiếng gõ cửa dồn dập. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì vị khách đã lao vào văn phòng. Đó là một người đàn ông to béo trạc 40 tuổi mặc bộ vét sẫm màu.

“Cậu là Mitarai phải không?,” Ông ta hỏi tôi.

“Không, không phải tôi,” tôi lo lắng đáp.

Quay sang Kiyoshi, ông ta rút tấm thẻ từ trong túi ra như thể một doanh nhân đang khoe ví của mình. Bằng một giọng trầm, ông ta giới thiệu tên mình là Takegoshi.

Ngay khi nhận ra tấm thẻ ngành cảnh sát, Kiyoshi thay đổi thái độ. “Vậy ngài từ chỗ cảnh sát tới! Chà, đây quả là một sự ngạc nhiên ngoài mong đợi! Một người trong chúng tôi đây sẽ nhận được vé phạt đỗ sai chỗ phải không? Đây là lần đầu tiên tôi được xem một tấm thẻ ngành cảnh sát xịn đấy.”

“Cậu không biết phải nói năng ra sao với người hơn tuổi à?” Takegoshi đột ngột nói. “Thời buổi này, đám trẻ không còn biết đến cách ứng xử cho phù hợp. Đó là lý do tại sao chúng tôi bận rộn đến vậy.”

“Theo phép ứng xử phù hợp thì một vị khách phải đợi cho tới khi được mời mới vào chứ không nên tự tiện lao vào như thế. Vậy quý ngài muốn gì? Nói nhanh cho tôi xem nào. Chúng tôi không muốn lãng phí thời gian của ngài hay của chính mình đâu ạ.”

“Cái gì? Thật kinh ngạc! Cậu có biết tôi là ai không? Cậu luôn nói chuyện với người khác như vậy đấy hả?”

“Chỉ với những người không được giáo dục về ứng xử xã hội như ngài thôi. Nói cho tôi xem ngài muốn gì. Và nếu quý ngài đây muốn xem bói thì cho tôi biết ngày sinh tháng đẻ đi.”

Takegoshi bối rối, nhưng không thay đổi thái độ kẻ cả của mình. “Cậu đã gặp em gái tôi phải không?” Ông nói, giọng hơi giận dữ. “Tên nó là Misako Iida. Tôi biết nó đến gặp cậu.”

“À!” Kiyoshi đáp, đột ngột cao giọng. “Bà ấy nói có một người anh trai và chắc đó là quý ông lịch lãm này! Ngạc nhiên chưa! Hẳn ngài đây được nuôi dạy trong môi trường khác hẳn với em gái mình, anh có nghĩ vậy không Ishioka?”

“Tôi không biết tại sao nó lại tới gặp một gã thầy bói rẻ tiền như cậu. Nó đã mang bản ghi chép của cha tôi tới đây, phải không? Đừng có chối!”

“Tôi chưa hề phủ nhận nhé.”

“Em rể tôi bảo cho tôi biết như vậy. Phần ghi chép đó là một bằng chứng quan trọng. Tôi muốn lấy lại!”

“Vì tôi vừa mới đọc xong nên có lẽ tôi sẵn sàng hoàn trả nó cho ngài, nhưng như thế em gái ngài có chấp nhận được không nhỉ?”

“Nó không quan tâm. Tôi yêu cầu trả lại cho tôi ngay lập tức!”

“Vậy là ngài chưa nói với em gái mình về việc này. Chà, có thật bà ấy muốn tôi giao nó cho quý ngài đây không nhỉ? Ông Bunjiro Takegoshi sẽ nói sao nếu ông ấy còn sống? Tôi không nghĩ tôi có thể hoàn trả bản ghi chép đó cho dù ngài có đề nghị tôi một cách nhã nhặn.”

“Đồ khốn kiếp! Cậu phải biết rằng tôi có thể ra tay đấy.”

“Ra tay kiểu gì nào? Chắc chắn phải là một cung cách rất lịch thiệp. Anh nghĩ sao Ishioka? Còng tay chúng ta lại chăng?”

“Thái độ của cậu rất khác hẳn với cách chúng tôi được dạy dỗ. Cậu nên học hỏi lễ độ một chút, cậu nhóc ạ.”

“Tôi không còn trẻ như ngài nghĩ.” Kiyoshi đáp và ngáp dài.

“Tôi rất nghiêm túc. Cha tôi sẽ không thể yên nghỉ nếu cậu tiếp tục chơi trò thám tử tư với cuốn sổ của ông ấy. Điều tra hình sự không phải là một trò chơi trong nhà. Chỉ có bỏ công miệt mài cặm cụi mới mang lại thành công.”

“Ông đang nói về quá trình điều tra vụ án mạng hoàng đạo Tokyo phải không?”

“Án mạng hoàng đạo à? Là cái quái gì vậy, tên một cuốn truyện tranh à? Người ta cứ nhảy bổ lên vì bất kỳ cái gì nghe giật gân và cứ nghĩ mình là các thám tử tư. Họ cho rằng việc đó dễ dàng và thú vị, nhưng nghề thám tử thật sự rất nghiêm túc. Chúng tôi là dân chuyên nghiệp chứ không phải như cậu và cuốn sổ đó rất cần cho việc điều tra của chúng tôi.”

“Nếu tất cả chỉ cần miệt mài cặm cụi thì nghề thám tử chính là công việc tốt nhất dành cho con trai ông bán giày. Nhưng ngài quên một điều rất quan trọng: công việc trí óc. Nếu trí thông minh tạo ra một thám tử giỏi thì trong trường hợp của ngài sẽ là gì nhỉ? Tôi không nghĩ ngài xứng đáng để giữ cuốn sổ ghi chép đó. Tuy nhiên, tôi sẽ cân nhắc việc giao lại nó cho ngài. Nhưng tôi vẫn còn nghi ngại. Ngài sẽ không thể giải quyết được vụ này trừ phi ngài sử dụng cái đầu của mình - bởi vì nếu không, tôi cảnh báo trước ngài sẽ mất mặt đấy.”

“Cảnh báo tôi à? Không cần phải như vậy. Chúng tôi là những thám tử chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Chắc cậu cũng biết công việc điều tra tội phạm không dễ như đi dạo trong rừng.”

“Tại sao ngài cứ lải nhải mãi một điều thế nhỉ? Tôi chưa hề nói rằng công việc điều tra là dễ dàng, đúng không nào. Ngài mới là người nói đến chuyện miệt mài cặm cụi này nọ. Thật nực cười là ngài chẳng hề nghĩ đến việc sử dụng trí óc. Tôi đoán xỏ giày rồi đi dạo sẽ dễ cho ngài hơn đấy.”

“Ý cậu là tôi không có đầu óc chứ gì?” Takegoshi bắt đầu lên giọng. “Tôi chưa bao giờ gặp một kẻ mất lịch sự như cậu! Nhìn lại mình đi, cậu chẳng khác gì một thằng vô gia cư. Cậu và đám vô gia cư chỉ giỏi gây ồn ào cãi cọ như những mụ đàn bà. Chà, có lẽ đó là cách cậu kiếm sống, chứ một công chức chân chính thì không làm việc đó. Chúng tôi có trách nhiệm với xã hội. Nếu cậu giỏi giang thì nói thử cho tôi xem, cậu đã tìm ra nghi phạm chưa?”

Kiyoshi dừng lại, và sau đó nói rất thành thực, “Chưa, vẫn chưa.” Trông cậu rất bình tĩnh, nhưng tôi có thể nói rằng cậu có vẻ nản lòng.

“Đấy, thấy chưa. Cậu đúng là vô dụng!” Takegoshi cười đắc thắng. “Tôi biết cậu chẳng thể tìm ra điều gì sất. Tôi chỉ hỏi vì cậu có vẻ cao ngạo và ghê gớm. Soi gương xem mình là ai đi nhé. Cậu chỉ là thứ… đẹp mã thôi!”

“Tôi không quan tâm những gì ngài nói, nhưng cho phép tôi xin ngài một đặc ân nghề nghiệp. Tôi cần một chút thời gian trước khi ngài công bố những ghi chép của ông cụ cho công chúng biết. Ngài có thể lấy lại cuốn sổ ngay hôm nay, mặc dù có lẽ rốt cuộc nó sẽ làm thay đổi ngài đấy. Trong đó có một sự kiện khiến cụ ông vô cùng khó xử nên chắc chắn ngài sẽ muốn giữ bí mật. Vậy xin hãy dành thời gian đọc nó và hiểu đã, thưa ngài.”

“Được. Tôi sẽ cho cậu ba ngày.”

“Thế thì nhanh quá. Tôi không nghĩ rằng ngài có đủ thời gian để suy ngẫm đâu.”

“Vậy một tuần.”

“Được, một tuần.”

“Cậu đang nói là…”

“Phải, tôi nói với ngài tôi sẽ giải quyết vụ này trong vòng một tuần. Ít nhất, tôi sẽ chứng minh được sự vô tội của cha ngài, khi đó ngài không nhất thiết phài công bố cuốn sổ nữa.”

“Kể cả khi cậu chưa hề có nghi can nào trong đầu ư? Không thể được đâu!”

“Tôi đã nói một tuần. Tôi sẽ giải quyết vụ việc trong vòng một tuần trước khi ngài làm bất cứ việc gì với cuốn sổ. Hôm nay là thứ Năm, ngày mùng 5, vậy ngài sẽ đợi cho tới thứ Năm tuần sau, ngày 12. Phải vậy không?”

“Tôi sẽ trình cuốn sổ lên cấp trên vào thứ Sáu ngày 13.”

“Cám ơn ngài. Chúng ta sẽ không lãng phí thời gian nữa. Ngài có thể ra về qua cánh cửa mà ngài đã vào. Nhân tiện, ngài sinh vào tháng Mười một phải không?”

“Phải. Làm sao cậu biết? Em gái tôi nói với cậu à?”

“Dễ thấy thôi mà. Tôi còn có thể biết ngài sinh vào quãng từ 8 giờ đến 9 giờ tối nữa cơ. Được rồi, đây là cuốn sổ của cha ngài. Xin ngài cầm lấy và trở về nhà.”

Takegoshi đóng sầm cửa lúc ra về. Chúng tôi nghe rõ tiếng bước chân nặng nề của ông ta ở ngoài sảnh.

“Anh điên đấy à?” Tôi nói với Kiyoshi. “Anh thật sự nghĩ rằng mình có thể giải quyết mọi việc ư?”

Kiyoshi không nói gì cả, khiến tôi càng thêm lo lắng. Nhiều lúc, sự tự tin thái quá khiến cậu đánh mất cả lý trí.

“Anh nghĩ được thêm gì chưa?” Tôi hỏi.

“Hồi nãy khi chúng ta đang nói chuyện, tôi cảm thấy có gì đó lóe lên trong đầu. Tôi không biết là gì nhưng cảm thấy nó hơi ngờ ngợ. Tôi phải biết được cái gì đó chứ nhỉ. Nó không như một câu đố. Nó là một thứ rất đơn giản… Tôi không nhớ ra… Có lẽ tôi nhầm… Ơn trời, chúng ta có một tuần. Nhân tiện, anh có ví ở đó không?”

“Có…”

“Anh có đủ tiền trang trải cho bốn hoặc năm ngày không?”

“Tôi nghĩ là đủ.”

“Tốt rồi. Tôi phải đi Kyoto ngay. Anh có muốn đi với tôi không?”

“Kyoto à? Nhưng tôi làm sao đi được chỉ với một thông báo cụt lủn như vậy…”

“Vậy thì gặp lại anh khi tôi quay trở về nhé. Rất tiếc, nhưng tôi không thể ép anh cùng đi với tôi.”

Quay lưng lại phía tôi, cậu lôi ngay chiếc túi du lịch từ dưới gầm bàn làm việc ra.

“Đợi đã. Dĩ nhiên tôi sẽ đi cùng anh!” Tôi kêu ầm lên.

Tôi nghĩ rằng đó chính là thời điểm Kiyoshi bắt đầu phát huy hết toàn bộ nhiệt huyết của mình cho vụ án. Một khi đã quyết định, cậu sẽ hành động nhanh như một tia chớp dù đôi khi hơi vội vã bộp chộp. Chúng tôi vớ lấy tấm bản đồ Kyoto cùng một cuốn Tokyo hoàng đạo án và lao ra khỏi văn phòng.

Một tiếng rưỡi sau, chúng tôi đã ở trên tàu cao tốc đi Kyoto…
 
Chương 25: Giải lao: Vi khuẩn trong tàu tốc hành


“Theo anh làm thế nào lão Takegoshi Con lại biết được việc em gái mình tới gặp anh?” Tôi hỏi Kiyoshi khi chúng tôi đã ổn định chỗ ngồi.

“Tôi cho rằng chắc chắn bà Iida cảm thấy có lỗi khi đến hỏi ý kiến tôi mà chưa được sự tán thành của chồng. Sau khi về nhà, bà ấy thú nhận những gì mình đã làm, và chồng bà ấy gọi điện cho ông anh vợ.”

“Xem ra ông chồng là một tay trung thực.”

“Có lẽ thế. Hoặc ông ta sợ lão đầu bò đó.”

“Phải đấy, lão Takegoshi Con đúng là một tay thô tục. Anh có nghĩ cha lão cũng như thế không, chắc là không nhỉ?”

“Ôi dào, cảnh sát đều như nhau cả thôi. Họ nghĩ vì họ là cảnh sát nên họ có toàn quyền và họ cứ nhắng lên như những ông tướng, cứ như vẫn còn đang ở thời phong kiến ấy. Bà em gái không hỏi ý kiến anh trai trước khi tiết lộ bí mật của cha mình cho một người lạ, điều đó chắc chắn làm cho lão nổi đóa lên - kiểu một thông lệ về trật tự gia đình thời trước bị vi phạm trong xã hội hiện đại ấy mà.”

“Tôi nghĩ người Nhật có xu hướng tuân phục giới chức một cách không cần thiết.”

“Chậc, lão Takegoshi Con cũng hung hăng chẳng kém những gã Nhật khác mà tôi từng gặp. Anh có thể đem lão trưng bày trong bảo tàng như một mẫu hình về sự chuyên quyền.”

“Chả trách em gái lão muốn giữ bí mật với lão về cuốn sổ ghi chép. Tôi có thể hiểu cảm giác của bà ấy.”

“Ồ, thế à?” Kiyoshi nói, đột ngột nhìn tôi đăm đăm. “Nói cho tôi xem, bà ấy cảm thấy thế nào?”

“Sao cơ?”

“Tôi rất muốn biết cảm giác của bà ấy khi phát hiện ra sổ ghi chép của cha mình?”

“Thì bà ấy muốn bảo vệ bí mật của cha nên mới quyết định đưa cho anh với hy vọng rằng vụ việc sẽ được kín đáo giải quyết.”

“Nào, nói tiếp đi!” Kiyoshi xen ngang. “Vậy tại sao sau đó bà ấy lại kể cho chồng biết đã đến gặp tôi? Bà ấy muốn ông chồng giải quyết vụ việc à? Có lẽ bà ấy đã cho ông chồng xem cuốn sổ ghi chép, nhưng ông ấy không nghĩ ra được gì, nên bà mới mang tới cho tôi. Nếu tôi giải quyết được vụ việc, bà ấy có thể giành công trạng đó cho chồng mình - và BÙM, sự nghiệp của ông chồng thăng hoa. Tôi nghĩ bà ấy đã vạch sẵn tất cả mọi chuyện.”

“Anh có đi quá xa không thế? Trông bà ấy đâu có vẻ…”

“Một kẻ tính toán phải không? Tôi không nói bà ấy là người nham hiểm; nhưng một phụ nữ có gia đình nghĩ theo cách đó cũng là lẽ thường mà.”

“Nghe như thể anh nghĩ tất cả phụ nữ đều toan tính. Như thế không công bằng đâu.”

“Hầu hết đàn ông đều ám ảnh với ý nghĩ rằng mọi phụ nữ đều biết tuân phục và không có quyền lực. Như thế là công bằng chắc?”

Tôi chẳng biết nói sao.

“Anh và tôi sẽ chẳng bao giờ thống nhất được vấn đề này,” Kiyoshi nói tiếp, “khác gì một người hiện đại chẳng bao giờ có thể thuyết phục được một võ sĩ về giá trị của điều hòa nhiệt độ.”

“Hả? Anh vẫn đang nói rằng phụ nữ là những kẻ toan tính à?”

“Không phải tất cả bọn họ. Có lẽ cứ một ngàn người thì có một người phụ nữ tốt mà thôi.”

“Một phần ngàn cơ à? Ôi, thôi nào, anh không thể thay đổi tỉ lệ ít ra cũng là một phần mười sao?”

“Không thể được,” Kiyoshi đáp và cười phá lên.

Tôi im lặng một lúc.

“Nào, giờ chúng ta kiểm tra lại tất cả mọi dữ liệu đã biết về vụ việc nhé?” Kiyoshi đề nghị trong khi tàu tăng tốc. “Chúng ta đã biết về Masako, vợ thứ hai của Heikichi. Thế còn bà vợ trước Tae thì sao nhỉ? Anh có nắm được thông tin gì không?”

“Thời con gái Tae có tên là Fujieda. Bà ấy sinh ra và lớn lên gần Rakushisha, ở Sagano, Kyoto.”

“Kyoto à? Hay đấy, biết đâu một mũi tên của chúng ta lại trúng hai đích nhỉ.”

“Tae là con một. Khi bà bước vào tuổi thiếu niên, gia đình chuyển tới Imadegawa, khu Kamigyo và mở một cửa hàng bán gấm Nishijin. Không may công việc kinh doanh gặp sự cố, mẹ Tae bị ốm và nằm liệt giường. Gia đình Tae không có họ hàng thân thích nào giúp đỡ được. Cha Tae có một người anh trai ở tận Mãn Châu Lý. Mẹ Tae qua đời, cửa hàng bị phá sản, cha bà treo cổ tự sát. Theo di chúc, cha Tae gợi ý Tae nên đi tìm ông bác ở Mãn Châu Lý để xin giúp đỡ về tài chính. Nhưng Tae chọn cách tới Tokyo. Tôi không biết bà ấy làm thế nào trang trải được khoản nợ của cha mẹ.”

“Có thể Tae chấp nhận từ bỏ quyền thừa kế của mình.”

“Quyền thừa kế ư?”

“Phải, khi đó bà ấy sẽ không thừa kế bất kỳ thứ gì, kể cả các khoản nợ nần của cha mẹ.”

“Tôi hiểu rồi. Tôi không biết chi tiết đó. Tại Tokyo, Tae làm nhân viên thường trực tại một cửa hàng bán kimono. Khi bà ấy khoảng 22 hoặc 23 tuổi, do cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của bà, ông chủ đã làm mối Tae cho Yoshio Umezawa, em trai của Heikichi. Nhưng sau này chính Yoshio lại giới thiệu bà ấy với Heikichi.”

“Họ lấy nhau, số phận dường như mỉm cười với Tae, nhưng sau đó Heikichi phụ bạc bà ấy,” Kiyoshi bổ sung những chỗ còn thiếu.

“Một số người không được may mắn. Tôi nghĩ Tae chấp nhận số phận của mình khi bán thuốc lá ở Hoya.”

“Nếu nghiên cứu tử vi, anh sẽ thấy cuộc sống rất bất công. Còn thông tin gì khác về Tae không?”

“Tôi nghĩ chỉ nhiêu đó đủ rồi. À, chi tiết này có thể chẳng có gì liên quan đến vụ việc, nhưng bà ấy có một bộ sưu tập rất nhiều các loại ví shingen - anh biết những cái túi lụa xinh xinh mà phụ nữ vẫn thường cầm theo khi mặc kimono ấy chứ. Theo hàng xóm ở Hoya cho biết, Tae ước mơ được trở lại Rakushisha và mở một cửa hàng bán các loại túi truyền thống.”

“Nhưng Tae là người thừa kế còn lại của Heikichi. Sau chiến tranh, chắc chắn bà ấy đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ bán tranh của chồng cũ.”

“Đúng vậy, nhưng Tae bị ốm và chẳng hề chi tiêu gì cho mình. Bà ấy dùng số tiền bán tranh để thuê quản gia, tặng quà cho hàng xóm láng giềng những người đối xử tốt với bà ấy và treo thưởng cho ai tìm ra hung thủ gây ra án mạng Azoth. Bà ấy đã có thể mở một cửa hàng ở Rakushisha, nhưng vì lường trước sức khỏe kém của mình nên bà ấy ở lại Hoya trong suốt quãng đời còn lại.”

“Tôi hiểu. Thế chuyện gì xảy ra với tài sản của bà ấy?”

“Chuyện này rất ngạc nhiên. Một người bà con mà trước đây chả bao giờ thân cận với Tae đột nhiên đến thăm bà bên giường bệnh. Người phụ nữ này là cháu gái ông bác của Tae ở Mãn Châu Lý. Có lẽ cô ta ở lại và chăm sóc Tae một thời gian. Tae đưa tên người phụ nữ này vào di chúc của mình. Câu chuyện hay ở chỗ tại lễ tang, tất cả xóm giềng đều khóc thương Tae vì bà ấy đã rất hào phóng với họ.”

“Vậy thì, có kẻ nào đó không được hưởng tiền của Tae đã giết bà ấy!... Chỉ đùa chút thôi. Thế còn Yasue Tomita, chủ nhân của phòng tranh de Médicis? Có thêm thông tin nào về bà này không?”

“Yasue xuất thân từ một gia đình giàu có. Đó là tất cả những gì tôi biết.”

“Ayako, vợ của Yoshio thì sao?”

“Tên thời con gái của bà ấy là Yoshioka. Ayako sinh ở Kamakura và có một người anh trai. Yoshio được thầy của mình giới thiệu với Yoshioka. Cha của ông thầy này là một tu sĩ[1]. Anh còn cần thêm gì nữa không?”

[1] Ở Nhật, một số giáo phái Phật giáo cho phép tu sĩ được lập gia đình và sinh con.

“Không, có lẽ thế là đủ rồi. Ayako không có vấn đề gì đặc biệt trong quá khứ, phải không?”

“Theo như tôi biết thì không.”

Kiyoshi ngồi yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ, tì cằm lên cánh tay. Lúc này trời đã tối và cửa sổ trông như một tấm gương, phản chiếu không gian sáng trưng bên trong tàu.

“Tôi có thể nhìn thấy Mặt Trăng.” Kiyoshi nói khẽ. “Tôi có thể nhìn thấy vài ngôi sao. Chà, thật khoái khi được thoát khỏi đám sương khói ở Tokyo. Anh có nhìn thấy ngôi sao chẳng hề nhấp nháy kia không, ngay bên cạnh Mặt Trăng ấy? Thực tế đó không phải là một vì sao, đó chính là Sao Mộc, một hành tinh đấy. Nếu anh nhìn thấy Mặt Trăng thì anh sẽ luôn định vị được các hành tinh một cách dễ dàng. Hôm nay là ngày 5 tháng Tư và Mặt Trăng ở cung Cự Giải, sắp chuyển sang cung Sư Tử. Sao Mộc cũng nằm trong cung Cự Giải ở 29 độ. Mặt Trăng di chuyển giống như các hành tinh. Anh biết không, nhìn sự di chuyển của các hành tinh mỗi ngày sẽ giúp ta nhận ra cuộc sống thường nhật mới nhỏ nhoi và vô nghĩa làm sao. Chúng ta tranh cãi. Chúng ta đánh nhau. Chúng ta giành giật. Chúng ta cạnh tranh để gia tăng của cải. Hãy nhìn vũ trụ xem. Sự vận hành của vũ trụ sôi động như một cái đồng hồ khổng lồ. Trái Đất chỉ như một răng trên các bánh xe của đồng hồ và con người không là gì khác hơn đám vi khuẩn. Hàng triệu con vi khuẩn sống cuộc đời ngắn ngủi chỉ để tranh đấu trong những trận chiến của chúng. Chúng không dừng lại để suy ngẫm rằng nếu không có cỗ máy vũ trụ, không ai trong chúng ta có thể tồn tại được. Hãy nhìn những gì con người làm - họ giết hại nhau vì một khoản tiền trong ngân hàng mà họ sẽ chẳng bao giờ dùng đến cho tới khi chết. Thật nực cười.” Kiyoshi nói rất nghiêm túc, rồi đột nhiên cười khúc khích. “Chà, ở đây có một con vi khuẩn đang hứng khởi vì một việc ngớ ngẩn. Nó đang đi ‘chuyến tàu cao tốc’ này để tới Kyoto, cố gắng làm mất mặt một con vi khuẩn to béo ngạo mạn khác.”

Tôi phì cười.

“Người ta sống chỉ để phạm hết tội này đến tội khác,” Kiyoshi nói, mặt tươi tỉnh hẳn lên.

“Mà này, chính xác thì chúng ta sẽ làm gì ở Kyoto?” Tôi hỏi.

“Chúng ta sẽ gặp Tamio Yasukawa. Anh rất muốn gặp ông ấy đúng không?”

“Ái chà, đúng, nếu chúng ta có thể.”

“Ông ấy chưa đến 30 tuổi vào năm 1936, như vậy giờ ông khoảng 70 tuổi nếu như còn sống. Thời gian trôi nhanh thật.”

“Phải. Còn gì nữa?”

“Cho đến giờ, đó là việc duy nhất tôi nghĩ đến. Chúng ta sẽ ở chỗ một người bạn của tôi tên là Emoto. Cậu ấy là người rất tốt. Anh sẽ thích cậu ấy cho mà xem. Bạn tôi chỉ mới 25 tuổi nhưng đã là một đầu bếp lành nghề.”

“Làm thế nào anh lại biết cậu ấy?”

“Tôi từng sống ở Kyoto vài năm trước. Đó là một thành phố tuyệt vời. Mỗi lần tới thăm, tôi đều cảm thấy rất hứng thú. Thành phố có một dạng năng lượng đặc biệt, hơn nữa, đây là một trong những thành phố không bị oanh tạc trong chiến tranh. Vì thế mà có cả Kyoto mới giống y như những thành phố hiện đại khác và Kyoto cũ với những đền thờ, những ngôi nhà cổ truyền và các geisha[2]. Đến nơi ấy cũng giống như ta quay trở lại quá khứ cả trăm năm - như đến London của thám tử Sherlock Holmes mà anh thần tượng, ngoại trừ vấn đề nó là của người Nhật mà thôi!”

[2] Cô gái Nhật được huấn luyện để mua vui cho đàn ông bằng cách trò truyện, khiêu vũ hoặc ca hát trong quán rượu.
 
Chương 26: Truy tìm Azoth


Cảnh 1: Nước đi trên bàn cờ

“Này, Emoto!” Kiyoshi gọi to khi nhìn thấy cậu bạn đang đứng đợi trên sân ga Kyoto.

“Lâu quá rồi!” Emoto chào hỏi và bắt tay Kiyoshi. Với nụ cười tươi rói trên mặt, Emoto hồ hởi, “Ông khỏe không?”

“Rất tiếc,” Kiyoshi cười nhăn nhở, “tôi không khỏe cho lắm, nhưng tôi rất vui được gặp ông.” Cậu giới thiệu tôi với Emoto.

“Ồ, các ông du lịch gọn nhẹ nhỉ!?” Emoto nói khi nhấc hành lý của chúng tôi lên. Anh ấy khá cao, để mái tóc ngắn tỉa gọn gàng và dường như có một phong thái rất thoải mái, phóng khoáng.

“Ừ. Chúng tôi chỉ việc nhảy lên tàu thôi mà.”

“Chà,” Emoto nói, nhìn Kiyoshi. “Ông đặt thời gian quá chuẩn. Hai ông tới vừa kịp mùa hoa anh đào nở.”

“Hoa anh đào à?” Kiyoshi ngơ ngác. “Ồ, à phải, đang là mùa anh đào nở hoa! Kazumi sẽ rất vui đây.”

Ngoài hoa anh đào, thành phố Kyoto còn nổi tiếng về quy hoạch. Cố đô được quy hoạch thành mạng lưới, giống như một bàn cờ. Tất cả các đường phố đều chạy theo hướng bắc-nam hoặc đông-tây, giống như ở New York. Emoto sống ở Nishi-kyogoku, phía tây nam trung tâm thành phố. Anh bạn trẻ lái xe đưa chúng tôi về nhà, tôi say sưa nhìn ngắm thành phố qua cửa xe. Có rất nhiều bảng hiệu đèn nê-ông và những tòa nhà văn phòng. Một số khu vực của Kyoto trông giống hệt Tokyo.

Căn hộ của Emoto gồm hai phòng ngủ. Rõ ràng, lần đầu tiên trong đời Kiyoshi và tôi sẽ ngủ chung một phòng.

“Ngủ một chút đi, ngày mai chúng ta sẽ rất bận bịu đấy.” Kiyoshi nói trong lúc chui tọt vào chăn.

Giọng Emoto vang lên phía sau cánh cửa. “Ngày mai các ông có muốn dùng xe của tôi không?”

“Không, cảm ơn,” Kiyoshi nằm gọn dưới chăn trả lời vọng ra.

Sáng hôm sau, chúng tôi đón chuyến tàu tuyến Hankyu tới Shijo-Kawaramachi, gần địa chỉ của Tamio Yasukawa.

“Địa chỉ của Yasukawa là Rokkaku-agura, Tominokoji. Anh có biết người ta làm thế nào tìm được một ngôi nhà căn cứ vào địa chỉ của nó ở Kyoto này không?”

“Rất xin lỗi, nếu anh quên mất là tôi từ Tokyo đến nhé.”

“Được rồi, một bài học rất nhanh thôi. Nhà của ông ấy trên phố Tominokoji, chạy theo hướng bắc-nam. Và Rokkaku chạy theo hướng đông-tây. Nơi hai con phố cắt nhau chính là vị trí chúng ta tìm kiếm. ‘Agaru’ nghĩa là ngôi nhà hơi ‘nhích lên trên’ tính từ Rokkaku nói cách khác là lệch về phía bắc.”

“A ha, tôi hiểu rồi.”

“Rất đơn giản mà lại thuận tiện.”

Chúng tôi xuống tàu và leo lên bậc cấp.

“Shijo-Kawaramachi là khu nhộn nhịp nhất Kyoto. Tuy nhiên, những người yêu Kyoto đếu nhất trí rằng đây là nơi tệ hại thứ hai của thành phố, sau Tháp Kyoto.”

“Sao lại thế?”

“Bởi vì nó không thích hợp với hình ảnh của một cố đô.”

Đúng như lời cậu nói, khi ra khỏi cổng ga chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy những tòa nhà hiện đại xếp hàng hai bên đường phố. Rõ ràng đây là Kyoto mới. Tôi thắc mắc không biết phố cổ Kyoto nằm ở đâu.

Kiyoshi đi rất nhanh còn tôi bám sát theo sau. Băng qua đường phố đông đúc, chúng tôi đến một đại lộ chạy dọc một con suối nông và hẹp. Nước trong đến kinh ngạc, nhìn rõ những hòn đá cuội dưới đáy. Rong tảo đang nhảy múa khẽ khàng trong dòng nước, phản chiếu những tia nắng buổi bình minh. Chắc chắn chúng tôi không thể thấy được hình ảnh tương tự ở Tokyo.

“Đây là sông Takase,” Kiyoshi nói. “Thật sự thì nó là một con kênh. Các thương gia đào nó để cho thuyền bè giao thương.” Cậu giải thích thêm trong lúc chúng tôi tiếp tục đi. Không lâu sau, Kiyoshi đột ngột dừng lại trước một tòa nhà.

“Nơi này là đâu thế?” Tôi hỏi.

“Một nhà hàng Trung Hoa. Chúng ta ăn thôi.”

Chúng tôi không nói chuyện gì nhiều trong bữa ăn.

Cả hai đều đắm chìm trong suy nghĩ. Tôi cố gằng hình dung xem cuộc sống của Yasukawa thế nào. Vì tên của ông được nhắc đến trong cuốn Tokyo hoàng đạo án nên chắc chắn ông thường xuyên bị những vị khách không mời tới quấy rầy hoặc tìm cách phỏng vấn. Hẳn là Yasukawa rất muốn được yên tĩnh. Buồn thay, hình ảnh mà tôi hình dung về Yasukawa là một người đàn ông cô độc đắm mình trong rượu chè. Chẳng sao cả, mối quan tâm của tôi là chứng minh rằng Heikichi Umezawa còn sống, hoặc ít nhất không hề bị giết hại.

Chúa mới biết được Kiyoshi nghĩ gì.

Cuối cùng khi chúng tôi tới được địa chỉ của Yasukawa, Kiyoshi tỏ ra bối rối. “Đây là phố Tominokoji… và kia là Rokkaku… nhưng có gì đó không đúng nhỉ. Chúng ta không thể đi thêm được nữa; đằng kia là phố khác rồi. Đây là chung cư duy nhất trong khu vực này. Có lẽ ông ấy không sống trong một căn hộ…”

Ở tầng trệt, có một quán rượu mang tên Bươm Bướm. Chẳng có nhiều lựa chọn, chúng tôi leo lên cầu thang hẹp để lên tầng hai nơi có các căn hộ. Đây chắc chắn không phải là tòa nhà sạch sẽ nhất hay mới nhất. Chúng tôi lần lượt kiểm tra tên các hòm thư trong hành lang, không có cái nào mang tên Yasukawa.

Kiyoshi bắt đầu tỏ ra thất vọng, nhưng cậu nhanh chóng lấy lại sự điềm tĩnh vốn có khi gõ cánh cửa gần nhất. Không có ai trả lời, cậu ấy tiếp tục thử cánh cửa tiếp theo, cũng không gặp may.

“Không hay rồi,” cậu nói. “Có lẽ họ nghĩ chúng ta là đám nhân viên tiếp thị. Chúng ta hay thử đầu bên kia vậy.”

Chiến thuật này có tác dụng. Khi chúng tôi gõ cánh cửa xa nhất, một bà già to béo đáp lời.

“Xin lỗi, thưa bác, chúng cháu không tiếp thị gì cả. Cháu muốn nhờ bác giúp,” Kiyoshi lên tiếng, nhã nhặn hết mức. “Chúng cháu đang tìm nhà một cụ ông có tên Tamio Yasukawa. Ông ấy có sống ở trong khu nhà này không ạ?”

“Ông Yasukawa à?... Để tôi nghĩ xem nào… Ồ, đúng, tôi nhớ ra rồi. Ông ấy chuyển đi từ lâu rồi.”

Kiyoshi quay sang tôi như thể đã đoán trước được.

“Ồ, vậy ạ? Thế bác có biết ông ấy chuyển đi đâu không ạ?”

“Tôi không rõ. Tại sao các cậu không đi hỏi viên quản lý ở dưới nhà ấy? Tên ông ấy là Okawa, nhưng có lẽ giờ này ông ấy không có ở đó đâu. Okawa có một quán rượu ở Kita-shirakawa. Nếu không có mặt ở đây có nghĩa là ông ấy đang ở đó.”

“Tên quán là gì ạ?”

“Bướm Trắng.”

Kiyoshi cảm ơn và chúng tôi đi xuống lầu dưới. Nhưng đúng như bà ấy dự đoán, chẳng có ai trả lời khi chúng tôi gõ cửa.

“Được rồi, chúng ta đi Kita-shirakawa và tìm ông Okawa.”

Xe buýt đưa chúng tôi đi về phía bắc thành phố, nhiều đền thờ và tòa nhà cổ hiện ra hai bên đường. Cảnh quan đẹp đến mức tôi bắt đầu cố hình dung xem cuộc sống sẽ ra sao nếu được sống ở khu vực này.

Quán rượu ở ngay bên cạnh trạm xe buýt Kita-shirakawa. Chúng tôi chưa kịp gõ cửa thì một người đàn ông đã ra mở cửa.

“Xin lỗi, bác có phải Okawa không ạ?”

Ông già sững người khi nghe thấy giọng Kiyoshi và lần lượt quan sát từng người chúng tôi.

Chúng tôi giải thích lý do cuộc viếng thăm của mình và nêu câu hỏi.

“Hừm… Để tôi xem… Làm sao tôi nhớ được lâu như thế?” Ông ấy nói, dò xét chúng tôi một cách cảnh giác. “Có lẽ tôi còn lưu trong hồ sơ, nhưng tôi cất ở nhà tôi tại Kawaramachi cơ. Các cậu có liên quan gì đến cảnh sát không?

Kiyoshi nhã nhặn hết mức. “Ôi giời,” cậu ấy cười toe toét, “chúng cháu trông giống lắm ạ?”

“Cho tôi xem thẻ ngành của các cậu được không?”

Tôi thoáng chút bối rối trước đề nghị của Okawa, nhưng Kiyoshi đã rất nhanh trí. Cậu ấy cau mày và nói với Okawa bằng một giọng rít lên, “Nói thật với bác, chúng cháu không được phép xuất trình thẻ ngành của mình cho bất kỳ người dân thường nào. Cháu xin lỗi. Bác đã bao giờ nghe nói đến Cục Điều tra Công an chưa ạ?”

“Ừm, có, tôi nghĩ tôi đã nghe nói đến…” Okawa lầm bầm. Đến lượt ông già trông hết sức lo lắng.

“Chậc…” Kiyoshi ngừng lại môt lúc truớc khi nói tiếp. “Lẽ ra cháu không nên nhắc đến. Xin hãy quên tất cả những gì cháu vừa nói đi ạ. Khi nào bác có thể tìm địa chỉ hiện nay của ông Yasukawa ạ?”

Ông Okawa đột nhiên tỏ thái độ hợp tác. “Tôi phải đi Takatsuki bây giờ nhưng tôi sẽ quay lại ngay. Tôi sẽ có địa chỉ của ông ấy lúc 5 giờ chiều. Các anh có thể gặp tôi lúc đó được không? Tôi sẽ đưa các anh số của tôi…”

“Anh cừ lắm,” tôi thì thào với Kiyoshi khi chúng tôi quay lại phố chính. “Tôi không biết rằng anh là một tay đại bịp cơ đấy!”

“Ồ, bình thường thôi,” cậu ấy đáp lại một cách hờ hững. “Một thám tử tư sẽ biết cách bộc lộ anh ta thật sự là ai đúng không?”

Chiến thuật của Kiyoshi nghe có vẻ có tác dụng, nhung tôi vẫn thấy lo lắng. Chúng tôi đã mất toi bốn tiếng - bốn tiếng đồng hồ trôi qua lãng phí. Hôm đó đã là thứ Sáu ngày mùng 6.

Chúng tôi đi dọc bờ sông cho tới khi đến một cây cầu nườm nượp xe cộ bắc ngang. Tôi nhận ra một tòa cao ốc; chúng tôi đang quay trở lại Shijo-Kawaramachi, nơi bắt đầu các hoạt động của ngày hôm nay. Tôi chỉ ước một cốc nước mát khi Kiyoshi bắt đầu lên tiếng.

“Có gì đó bị bỏ qua… Và có lẽ nó là gì đó rất kỳ cục và khó hiểu, nhưng tôi có linh cảm rằng nó không khó hiểu đến vậy. Khi chúng ta tìm ra mắt xích còn thiếu, chúng ta sẽ hiểu toàn bộ câu chuyện. Chúng ta có thể phải xem xét lại vụ việc từ đầu, đặc biệt nửa đầu tiên. Đúng, tôi nghĩ tất cả là do mắt xích còn thiếu đó. Trong suốt bốn mươi năm, các thám tử trên khắp nước Nhật đều lúng túng không thể tìm ra lời giải do thiếu mắt xích này. Chà, tôi là một thám tử không dễ dàng bỏ cuộc đâu!”
 
Chương 27: Cảnh 2: Hành động báng bổ


Chúng tôi ngồi giết thời gian trong một quán cà phê bằng cách chậm rãi nhâm nhi ly nước hoa quả. Gần đến 5 giờ, Kiyoshi đột nhiên đứng lên và đi tới một máy điện thoại công cộng. Cậu nói chuyện một lúc rồi quay lại.

“Tôi nắm được rồi!” Kiyoshi chỉ nói vậy. Tôi vớ vội hành lý của mình và chạy theo cậu ra khỏi cửa.

Đường phố giờ tan tầm bắt đầu đông dần lên. Kiyoshi đi thẳng qua đám đông vượt qua cây cầu bắc qua sông Kamo.

“Thế ông ta sống ở đâu?”

“Ở Neyagawa, trên đường đi Osaka. Chúng ta có thể đón tàu tuyến Keihan từ đằng kia.”

Nhà ga ngay trước mặt chúng tôi.

Từ sân ga, chúng tôi trông thấy dòng sông đang từ từ đổi màu khi ánh chiều tà buông xuống.

Chúng tôi xuống ga Korien. Tiếng Trung Quốc của tên gọi này nghĩa là “Hương Lí Viên” cho nên tôi hình dung vùng này sẽ nhiều cây cối thật dễ chịu. Nơi này quả đúng như tôi đã hình dung. Tôi thấy có mấy quán rượu và hộp đêm nhỏ với những biển hiệu đèn nê-ông lòe loẹt vừa mới được bật sáng để đón chào những người khách đầu tiên của buổi tối. Một số nhân viên văn phòng chếnh choáng đi trên hè phố vì rõ ràng vừa kết thúc sớm chầu nhậu, còn vài cô tiếp viên phấn son lòe loẹt vượt lên trước chúng tôi để kịp giờ đi làm.

Khi chúng tôi tìm được địa chỉ Okawa đưa, trời đã tối mịt. Quản lý tòa nhà đi vắng, nên chúng tôi lên gác và lại bắt đầu gõ từng cánh cửa. Một phụ nữ trung niên nói chưa bao giờ nghe bất kỳ ai có tên Yasukawa ở đây cả.

Chúng tôi may mắn hơn khi gặp vị chủ nhà tiếp theo. “Mới hôm trước vừa có người dọn đi,” ông cho biết. “Tôi nghĩ tên ông ấy đúng là Yasukawa. Chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau, nên tôi không biết ông ấy chuyển đi đâu. Sao các vị không hỏi người quản lý.”

Kiyoshi không giấu được nỗi thất vọng của mình. Nhưng chúng tôi cố gắng tới văn phòng người quản lý lần nữa và ngạc nhiên thay, ông ấy mới quay trở lại sau khi giải quyết mấy việc vặt.

“Tôi không biết gia đình đó chuyển đi đâu,” ông nói với thái độ hết sức hợp tác. “Hình như họ không muốn cho ai biết và tôi cũng chẳng quan tâm. Gia đình có vẻ không vui vì cụ ông vừa mới qua đời.”

“Chết rồi ư?!” Kiyoshi và tôi cùng kêu lên.

“Ý ông là ông Tamio Yasukawa phải không?,” Kiyoshi hỏi.

“Tamio à? Ồ, phải, chính là tên ông ấy đấy.”

Vậy là Yasukawa đã chết ngay tại Osaka này. Tôi cảm thấy nản chí. Giờ chẳng còn cách nào tìm hiểu được cuộc đời của ông ấy nữa. Ông ấy từng sống ở Tokyo, tham gia chiến tranh, rồi chuyển đến Osaka. Cuộc đời ông cụ đã kết thúc trong một căn hộ cũ kỹ xung quanh bốn bức tường nứt nẻ.

Tuy nhiên người quản lý cung cấp cho chúng tôi một số thông tin mới ngoài mong đợi. Ông kể rằng Yasukawa không sống một mình, ngược lại còn có một cô con gái trạc ngoài 30 tuổi. Chị này lấy một anh thợ mộc và họ có hai đứa con.

Bóng đèn trong hành lang nhấp nháy, người quản lý ném cho nó cái nhìn khó chịu mỗi lần ánh sáng sụt xuống.

Tim tôi trĩu nặng một nỗi buồn ghê gớm. Tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ bị bắt quả tang phạm lỗi. Chúng tôi đang theo dấu một con người tội nghiệp không thể có được một cuộc sống hạnh phúc và vừa mới qua đời. Đây không còn là một cuộc phiêu lưu nữa. Có gì đó rất báng bổ khi cứ bới móc vào đời tư của ông già này - một hành vi báng bổ thiếu nhân đạo.

Kiyoshi dường như cũng chìm trong suy tư.

“Nếu các anh thật sự muốn biết họ chuyển đi đâu,” người quản lý tình nguyện, “tôi có thế hỏi công ty vận chuyển. Chỉ mới tháng trước họ còn ở đây, cho nên tôi nhớ tên họ. Hãng vận chuyển Neyagawa, trụ sở ngay phía trước ga Neyagawa.”

Chúng tôi cảm ơn ông quản lý và ra đi.

“Mấy giờ rồi nhỉ?” Kiyoshi hỏi.

“Tám giờ kém mười.”

“Vậy là chúng ta vẫn có thể hành động,” cậu hào hứng thấy rõ. “Chúng ta tới hãng vận chuyển Neyagawa!”

Chúng tôi đi bộ trở lại ga tàu và đón chuyến tàu tới Neyagawa.

Không khó để tìm được công ty này, nhưng đã quá muộn vì tan sở mọi người đã đi về hết. Căn cứ vào một tấm biển có ghi “DỌN NHÀ? HÃY GỌI CHO CHÚNG TÔI!” Kiyoshi ghi lại số điện thoại của công ty. Sáng mai cậu sẽ gọi. Sau đó chúng tôi quay trở về căn hộ của Emoto.

Và ngày thứ Sáu mùng 6 tháng Tư, kết thúc như vậy.
 
Chương 28: Cảnh 3: Bắc qua mặt trăng


Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng của Kiyoshi nói chuyện với ai đó trên điện thoại. Lúc ấy khá muộn nên Emoto đã đến công sở. Tôi ngồi dậy, cất túi ngủ vào tủ và xuống bếp kiếm ít cà phê.

Khi tôi vào phòng khách tiện thể mang cho Kiyoshi một tách cà phê thì cậu vừa mới kết thúc cuộc gọi. Cậu xé một tờ giấy nhắc việc và nói, “Con gái Yasukawa đang ở Higashi-yodogawa tại Osaka. Tôi không thể hỏi được địa chỉ chính xác của chị ấy, nhưng công ty vận tải nói ở gần bến xe buýt tại Toyosato-cho, cuối một con hẻm và gần một cửa hàng bánh tráng có tên Omichi-ya. Chồng chị ấy tên là Kato. Chúng ta đi nào!”

Khi chúng tôi đến Toyosato-cho, từ xa chúng tôi có thể nhìn thấy cây cầu thép bắc qua sông Yodo. Khu vực này vẫn còn rất kém phát triển. Rải rác khắp những rẻo đất bỏ trống mọc đầy lau lách là những chiếc lốp xe cũ. Tuy nhiên, đường phố dường như mới được rải nhựa. Chúng tôi đi xuống một con hẻm nằm giữa một cụm lều lán và tìm thấy ngay cửa hàng bánh tráng. Qua một chút là vài cụm nhà bình dị. Căn cứ vào những hòm thư có ghi tên, chúng tôi tìm được căn hộ của bà Kato.

Chúng tôi leo lên thang gỗ và tìm đường vào căn hộ, len qua khu vực giặt ngay trên lối đi. Cửa sổ của họ mở hé, chúng tôi nghe thấy tiếng rửa bát đĩa và tiếng khóc của một đứa bé.

Kiyoshi gõ cửa, lập tức một phụ nữ xuất hiện. Người phụ nữ không trang điểm và mái tóc thì rối bù. Đó chính là con gái của Yasukawa. Kiyoshi bắt đầu giải thích mục đích chuyến thăm của chúng tôi, nhưng chủ nhà ngắt lời khi Kiyoshi chưa kịp nói gì nhiều.

“Tôi chẳng có gì để nói về việc đó! Cha tôi không làm gì cả. Chúng tôi đã chán lắm rồi. Hãy để chúng tôi yên!” Chủ nhà đóng sầm cửa, khiến cho đứa bé khóc càng to hơn.

Kiyoshi đứng trước cửa, không nhúc nhích. Trông cậu mất hết tinh thần.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe con gái Yasukawa nói phương ngữ vùng Kanto; chúng tôi đang ở sâu trong vùng Kansai và suốt hai ngày qua chúng tôi được nghe mọi dạng biến thể của thổ âm Kansai.

Khi chúng tôi rời khỏi khu chung cư, Kiyoshi nói khẽ “Tôi biết chị ấy sẽ từ chối nói chuyện với chúng ta mà. Ông bố cũng sẽ như vậy nếu ông ấy vẫn còn sống. Tôi chỉ muốn tới gặp Yasukawa nhân danh Bunjiro Takegoshi. Thôi, chúng ta hãy quên Yasukawa và con gái ông ấy đi.”

“Vậy giờ chúng ta làm gì đây?”

“Tôi không biết. Chúng ta quay về Kyoto đã.”

Vậy là chúng tôi lên tàu mà chẳng có một kế hoạch nào trong đầu.

Kiyoshi chìm trong suy nghĩ suốt đường đi, rồi đột ngột lên tiếng, “Kazumi, giờ anh đã ở Kyoto, sao anh không nhân cơ hội này đi thăm chú một chút nhỉ? Tôi gợi ý tới thăm Arashiyama, hoa anh đào vùng này đang độ rực rỡ. Anh có thể đổi tàu ở trạm tiếp theo, Katsura. Cẩm nang chỉ dẫn ở đây. Tôi muốn ở một mình để tập trung suy nghĩ. Tôi sẽ gặp anh ở nhà Emoto.”

Tôi xuống tàu tại Arashiyama và đi thẳng ra phía sông. Kiyoshi nói đúng một chi tiết: hoa anh đào tuyệt đẹp.

Một cô maiko - thiếu nữ trẻ được huấn luyện để trở thành geisha - đi ngang qua khiến tất cả mọi người chú ý. Cô mặc bộ kimono và đi cùng một cậu choai choai có mái tóc nhuộm vàng. Cậu nhóc đeo một cái máy ảnh trên cổ. Đôi dép gỗ đế dày tạo ra thứ âm thanh êm dịu, dễ chịu theo mỗi bước chân của cô gái.

Tôi theo đám đông đi về phía sông Katsura. Theo sách hướng dẫn, cây cầu có tên gọi Togetsu-kyo, có nghĩa là “cầu bắc qua mặt trăng”. Chắc là khi mặt trăng được phản chiếu trên mặt sông, du khách sẽ có cảm giác mình đang trôi bồng bềnh phía trên mặt trăng.

Gần đây là một ngôi miếu nhỏ. Nhưng khi đến gần, tôi mới nhận ra đó là một trạm điện thoại được thiết kế giống như một miếu thờ. Tôi nghĩ đến việc gọi cho ai đó từ chỗ này cho lạ, nhưng trong đầu chẳng nghĩ ra ai cả.

Sau bữa trưa, tôi bắt xe điện đi dạo. Việc này làm tôi rất thích thú vì Tokyo không còn xe điện nữa. Tôi nhớ đã từng đọc trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám rằng nhân vật thám tử nảy ra cảm hứng trong lúc đi xe điện. Tôi cảm thấy những tiểu thuyết trinh thám hay ho ngày trước đều lỗi thời như những chiếc xe điện vậy!

Tôi chẳng biết xe điện đang đi đâu nên đành xuống ở trạm cuối cùng, Shijo-Omiya. Tôi đi bộ dọc một con phố đông đúc và đột nhiên nhận ra mình đã quay lại Shijo-Kawaramichi. Không lẽ tất cả đường phố ở Kyoto đều dẫn về Shijo-Kawaramachi?

Từ đó, tôi đi thẳng tới đền Kiyomizu nổi tiếng thả bộ theo vỉa hè lát đá Sannen-zaka và dừng lại ở một quán trà nhỏ để uống tách rượu gạo amazake ngọt lịm. Rồi lại tiếp tục lang thang.

Trước cửa một tiệm đồ cổ nhỏ có một phụ nữ mặc kimono đang rẩy nước ra vỉa hè cho đỡ bụi. Cô làm rất cẩn thận, không để bắn lên người tôi và tôi cảm kích vì sự chu đáo ấy.

Tôi quay lại Shijo-Kawaramachi. Đã thấm mệt với chuyến du lịch vất vả này, tôi quyết định quay về nhà Emoto.

Emoto đã về đến nhà.

“Ồ, ông về rồi à! Tham quan có thích không?”

“Có, tuyệt lắm!”

“Kiyoshi đâu rồi?”

“Chúng tôi tách nhau trên tàu… Chà, thật ra thì cậu ấy bỏ tôi!”

Emoto nhăn mặt, nửa thích thú, nửa cảm thông.

Khi chúng tôi đang chuẩn bị món sốt hải sản cho bữa tối thì Kiyoshi thẫn thờ bước vào như người mộng du. Cậu chẳng nói gì, dù chỉ một câu chào cộc lốc.

Ăn xong bữa tối, tình trạng của Kiyoshi cũng chẳng có gì khác. Đồ ăn của Emoto rất tuyệt, nhưng Kiyoshi không chú ý lắm.

“Ngày mai là Chủ nhật,” Emoto nói với Kiyoshi. “Mai tôi được nghỉ nên ta làm một chuyến lên phía bắc Kyoto nhé? Tôi biết các ông bận, nhưng theo lời Kazumi, việc các ông đang làm ở đây chủ yếu là vận dụng trí não. Cho nên tại sao các ông không đi xe? Các ông vẫn có thể làm việc trên xe mà.”

Kiyoshi ngoan ngoãn gật đầu. “Được, miễn là các vị để tôi ngồi yên ở phía sau.”
 
Chương 29: Cảnh 4: Bờ sông


Kiyoshi không nói một lời trong khi Emoto lái xe đưa chúng tôi tới Sanzen-in, một đền thờ ở Ohara, phía bắc Kyoto. Cậu ấy ngồi ở ghế sau lặng im như một pho tượng Phật.

Chúng tôi dừng lại tại một tiệm ăn ở Ohara để thưởng thức chút đồ ăn Thiền kaiseki rất ngon. Ngay cả khi Emoto giải thích về các món ăn truyền thống, tâm trí Kiyoshi dường như vẫn đang ở đâu đâu.

Emoto và tôi vẫn tiếp tục, tôi thấy hài lòng vì có cơ hội thăm nhiều nơi ở Kyoto: Đại học Doshisha, Đại học Kyoto, Lâu đài Nijo, Đền Heian, Hoàng cung, và phim trường Uzumasa.

Buổi tối, Emoto đãi chúng tôi bữa tối sushi ở Kawaramichi và sau đó đưa chúng tôi tới một quán cà phê rất hấp dẫn chuyên chơi nhạc cổ điển.

Đó là một ngày vô cùng thú vị, mặc dù chúng tôi không tiến thêm được bước nào trong vụ án.

Khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau, Kiyoshi và Emoto đều đã đi mất.

Tôi ăn sáng ở gần nhà ga rồi bắt đầu lang thang không chủ đích. Tôi vào khu mua sắm, băng qua một con mương nhỏ sang một sân chơi. Vài nhóm người chạy bộ chạy ngang qua. Tôi cố gắng tập trung trở lại vụ án.

Vụ giết người hoàng đạo không phải là một bí ẩn bình thường. Nó có tầm vóc đến mức cuộc sống của nhiều người đã bị hủy hoại. Có người đã bán toàn bộ tài sản của mình để đầu tư nghiên cứu vụ án. Có người thì hóa điên và tự sát bằng việc nhảy từ trên vách đá xuống biển Nhật Bản. Phải chăng tôi cũng sẽ bị hiến sinh trước đàn tế của bí ẩn này?

Tôi quyết định quay lại Kawaramachi. Tôi thấy thích quán cà phê chuyên chơi nhạc cổ điển và nghĩ nên “tị nạn” ở đấy. Sau đó, có lẽ tôi nên dừng ở một hiệu sách và mua một cuốn sách dạy về minh họa.

Trong lúc đứng chờ chuyến tàu địa phương sắp đến, một chuyến tàu tốc hành chạy ào qua, khiến cho một ít rác bị cuốn tung lên. Đột nhiên, cảnh tượng đó làm tôi nhớ đến bờ sông ở Toyosato - cho - vùng đất bỏ không, lau lách, những cái lốp xe bị vứt bỏ. Tôi nghĩ về con gái Yasukawa. Việc không thể trò chuyện được với chị ta đã để lại một lỗ hổng lớn trong quá trình điều tra của chúng tôi. Chúng tôi cần câu chuyện của người phụ nữ đó - có rất nhiều điều chị ta có thể nói với chúng tôi. Tôi đứng lên, đi xuống sảnh ga và vượt qua mé bên kia của con hẻm. Tôi sẽ quay lại gặp con gái của Yasukawa.

Đồng hồ chỉ hơn 4 giờ một chút khi tôi đến Toyosato-cho. Quanh nhà ga chẳng có gì nhiều. Chỉ có mấy người bán bánh xèo Nhật Bản okonomiyaki và bánh nướng nhân bạch tuộc takoyaki, hai thứ đồ ăn vặt rất được ưa chuộng ở Kansai. Tôi đi bộ về phía cây cầu bắc qua sông Yodo, đi dọc ngõ hẻm lần nữa, tìm quán bánh tráng và bắt đầu đi lên cầu thang của khu chung cư. Chính lúc đó cảm giác ngập ngừng trào lên trong tôi.

Liệu người phụ nữ kia có sẵn lòng trò chuyện với tôi không? Những vụ án mạng nhà Umezawa chẳng phải là chuyện thú vị, nhưng chí ít chị ta cũng phải quan tâm đến sự liên đới của cha mình trong vụ án này chứ nhỉ. Có lẽ tôi nên mang theo cuốn sổ ghi chép của ông Takegoshi. Mối liên hệ của chúng tôi với ông ấy chắc chắn nâng tầm chúng tôi lên cao hơn đám thám tử nghiệp dư vẫn đến gõ cửa nhà họ. Tôi có thể nói tôi là bạn thân của con gái ông Takegoshi. Tuy là lời nói dối, nhưng tôi phải làm những gì cần thiết. Điều tôi muốn là thu được manh mối dù nhỏ nhất chứng tỏ rằng Heikichi Umezawa chưa chết. Ngoài ra, tôi còn muốn tìm hiểu xem cuộc sống của Yasukawa thế nào sau vụ việc. Nếu Heikichi chưa bị sát hại, có lẽ họ vẫn giữ liên lạc với nhau chăng?

Lần này, không còn những người giặt giũ ở lối đi. Tôi gõ cửa. Chủ nhà mở cửa và không hề giấu vẻ khó chịu của mình khi lại nhìn thấy tôi.

“Tôi rất xin lỗi, xin bỏ qua cho tôi, tôi không có ý thiếu tôn trọng, tôi thực sự rất xin lỗi.” tôi nói, cúi người nhiều lần. Tôi đang cố gắng để một vài lời của mình lọt được vào trong nhà trước khi chị ta ra đóng sập cửa trước mặt tôi. “Tôi tự mình đến đây. Tôi có vài thông tin mới về vụ việc, và tôi muốn kể cho chị nghe về nó…”

Có lẽ trông tôi rất nghiêm túc, thậm chí hơi ngốc ngếch khi xin lỗi rối rít. Người phụ nữ mỉm cười, từ từ bước ra khỏi cửa. “Chúng ta ra bờ sông nhé,” chị ta nói. “Con tôi thích được ra ngoài.”

Ra đến sông, tôi bắt đầu nói liên tục, chỉ dừng lại để thở. Thật kỳ cục, người phụ nữ này không quan tâm đến câu chuyện của tôi như tôi mong đợi, mặc dù vẫn lắng nghe, cuối cùng chị ta lên tiếng.

“Chà, anh Ishioka, tôi có thể nói gì với anh đây? Tôi lớn lên ở Tokyo. Nhà tôi gần ga Hasunuma trên tuyến Ikegami, nhưng mẹ tôi thường đi bộ tới Kamata để đỡ tốn tiền,” chị ta mỉm cười chua chát. “Cha mẹ tôi không kể với tôi về thời tuổi trẻ của họ, cho nên tôi không biết giúp được bao nhiêu cho anh. Những gì tôi thật sự biết là sau vụ án mạng nhà Umezawa, cha tôi gia nhập quân đội. Ông ấy bị thương trong chiến tranh: tay phải bị liệt. Khi trở lại Nhật Bản, ông ấy gặp mẹ tôi và cưới bà. Mới đầu họ rất hạnh phúc, nhưng sau đó cha tôi sa vào một lối sống khá bạc nhược. Chúng tôi lâm vào túng quẫn và sống nhờ trợ cấp, trong khi ông ấy chơi cờ bạc. Ngày nào cha tôi cũng mò tới các đường đua Omori và Oi. Mẹ tôi buộc phải làm việc kiếm tiền. Căn hộ của chúng tôi chỉ là một phòng rộng bằng sáu manh chiếu. Nó quá nhỏ cho ba người, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Cha tôi say xỉn và đánh đập mẹ tôi hằng ngày. Thỉnh thoảng ông ấy bị ảo giác, khăng khăng cho rằng ông nhìn thấy những người thân đã chết từ lâu…”

Tôi phải ngắt lời. “Họ là ai? Cụ ông có nhắc đến Heikichi Umezawa không?”

“Tôi đoán anh sẽ hỏi như thế. Có, tôi nghe cha tôi nhắc đến ông Umezawa, nhưng làm sao chúng tôi tin được cha mình? Cha tôi không mấy khi làm được những việc có ý nghĩa. Có lẽ cha tôi bị phê thuốc hoặc say rượu. Anh biết đấy, cha tôi thỉnh thoảng có dùng moóc phin.”

“Nếu cha chị thực sự nhìn thấy Umezawa thì ông cụ sẽ là một nhân chứng rất quan trọng trong vụ án.”

Đầy phấn chấn và hứng khởi, tôi nói với người phụ nữ về giả thiết của mình: Heikichi giết người thế mạng và biến mất; Heikichi giết Kazue để giữ bí mật tội ác của mình; chỉ có Heikichi mới có động cơ thực hiện vụ án mạng Azoth…

Mối quan tâm của Kato với vụ việc dường như càng giảm hơn nữa. Chị ta xốc đứa bé trên lưng, để cho gió thổi qua tóc mình.

“Thế cha chị có nhắc nhở gì đến Azoth không?” - Tôi hỏi.

“Chà, có thể có, nhưng lúc đó tôi còn nhỏ… tôi nghĩ tôi có nghe thấy cái tên Heikichi Umezawa lại được nhắc đến gần đây, nhưng tôi không quan tâm đến vụ việc hoặc con người đó. Tôi vẫn cảm thấy phẫn nộ khi nghe đến tên lão. Nó chỉ mang lại những ký ức buồn đau. Toàn những kẻ lạ mặt đến làm phiền chúng tôi. Nhiều lúc tôi về nhà và thấy có người chờ cha trong căn hộ của mình chỉ để hỏi một câu ngớ ngẩn. Chúng tôi chẳng còn quyền riêng tư, và tôi sống trong tình trạng bức bối mỗi ngày. Thậm chí đến tận hôm nay, tôi vẫn thấy bực. Đó là một trong những lý do khiến chúng tôi chuyển đến Kyoto.”

“Tôi rất xin lỗi. Chị đã phải chịu quá nhiều đau khổ, và tôi chỉ làm tăng thêm điều đó. Tôi rất xin lỗi đã đến làm phiền chị.”

“Đừng xin lỗi nữa. Tôi cũng xin lỗi vì thái độ của tôi ngày hôm trước. Các anh đến vào đúng thời điểm khó chịu và tôi đã không kiềm chế được.”

“Chị thật tốt và tôi cảm ơn chị vì đã nói chuyện với tôi. Mẹ chị có khỏe không ạ?”

“Mẹ tôi ly hôn với cha tôi. Bà cụ muốn mang tôi theo, nhưng cha tôi không chịu. Sau khi mẹ tôi ra đi, ông cụ thực sự là người cha rất tốt với tôi. Tôi rất tiếc vì cha tôi đã phải rời bỏ công việc mà ông cụ yêu thích. Chúng tôi nghèo, nhưng thời điểm đó rất nhiều người nghèo, cho nên tôi chẳng bao giờ cảm thấy xấu hổ về điều kiện sống của chúng tôi cả.”

“Cha chị có bạn bè thân thiết nào không?”

“Ông ấy đánh bạc và bù khú rượu chè với nhiều người khác nhau, nhưng chỉ có một người bạn thân là Shusai Yoshida. Cha tôi vô cùng ngưỡng mộ ông ấy.”

“Shusai Yoshida vẫn còn sống chứ?”

“Đúng, ông ấy còn sống.”

“Ông ấy làm gì?”

“Tôi nghĩ ông Yoshida là một thầy bói kiểu Trung Hoa. Có lẽ ông ấy trẻ hơn cha tôi đến mười tuổi. Họ gặp nhau trong một quán rượu ở Tokyo.”

“Ở Tokyo ư?”

“Vâng, đúng như vậy.”

“Cha chị cũng quan tâm đến tướng số phải không?”

“Tôi không nghĩ vậy. Cha tôi quý ông Yoshida vì họ cùng chung sở thích chế tạo búp bê.”

“Chế tạo búp bê ư?”

“Vâng, tôi nghĩ đó là lý do khiến họ trở thành bạn bè. Sau khi ông Yoshida chuyển đến Kyoto, cha tôi cũng làm theo.”

“Chị có kể chuyện này cho cảnh sát không?”

“Kể cho cảnh sát ư? Tại sao tôi phải làm thế? Không, chẳng bao giờ.”

“Thế còn tất cả những thám tử nghiệp dư? Chị có kể với họ điều gì liên quan đến chi tiết này không?”

“Không, không. Anh là người đầu tiên đấy.”

“Tôi muốn hỏi chị thêm hai câu. Từ những điều chị nghe cha mình nói, chị có nghĩ Heikichi Umezawa còn sống không? Và chị có nghĩ rằng ông ấy thực sự đã tạo ra Azoth không?”

“Tôi không biết. Tôi không chú ý nghe cha tôi cho lắm. Có vẻ cha tôi tin rằng Umezawa vẫn còn sống, nhưng - để tôi nói lại với anh điều này - cha tôi đã mất hết mọi cảm xúc. Nếu anh gặp ông cụ, anh sẽ nhận thấy điều đó. Tại sao anh không tới gặp ông Yoshida nhỉ? Ông ấy đáng tin cậy hơn nhiều. Cha tôi hoàn toàn tin tưởng ông. Tôi không nghĩ ông Yoshida sẽ thêu dệt sự thật.”

“Ông Yoshida sống ở đâu?”

“Tôi chỉ gặp ông có một lần và tôi không có địa chỉ hay số điện thoại gì cả. Tôi chắc là ông Yoshida sống gần xưởng xe Karasuma ở khu Kita, Kyoto. Khu vực đó ở cuối phố Karasuma. Nếu anh hỏi thăm, tôi tin chắc anh sẽ đến được nơi đó.”

Tôi cảm ơn người phụ nữ và cáo từ. Chị ta quay đi, nựng nịu đứa con và không hề ngoái lại nhìn tôi.

Tôi đi xuống bờ sông, len vào đám lau lách, theo một lối hẹp ra mép nước. Lau lách mọc cao hơn cả tôi, khiến tôi có cảm giác đang đi qua một đường hầm. Ở mép nước, những con sóng nhẹ nhàng vỗ vào bờ đất đen. Tôi ngước nhìn lên. Cây cầu sắt đổ bóng xuống dòng sông trong ánh sáng đang nhạt dần và những ánh đèn pha ô tô đã bắt đầu nhấp nháy.

Cuộc trò chuyện với con gái ông Yasukawa khiến tôi thêm nhiệt huyết.

Vậy là Yasukawa nghĩ rằng Heikichi chưa chết…Yoshida Shusai hẳn phải biết điều gì đó.

Lúc đó là 7giờ 5 phút tối ngày mùng 9. Chúng tôi còn đúng 3 ngày thì hết hạn. Tôi không thể lãng phí thêm thời gian nữa. Tôi bắt tàu trở lại Shijo-Kawaramachi rồi đón xe buýt đến xưởng xe Karasuma. Tôi không biết đường nhưng xe buýt ở đây chạy loanh quanh khắp phố. Gần 10 giờ tối thì tôi đến nơi. Đường phố vắng ngắt. Tôi đi bộ kiếm ngôi nhà có tên Yoshida, nhưng không tìm thấy. Tôi phải nhờ đồn cảnh sát khu vực chỉ dẫn.

Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy nhà, nhưng trong nhà không sáng đèn. Lại quá muộn! Tôi quyết định sẽ quay lại vào ngày hôm sau. Hy vọng khi đó ông ấy sẽ có nhà.

Khi tôi trở về căn hộ của Emoto, Kiyoshi và Emoto đã đi ngủ. Kiyoshi còn tử tế dọn sẵn giường cho tôi - có lẽ cậu ấy không muốn bị quấy rầy đêm khuya khi đã ngủ bởi những tiếng lịch kịch dọn giường. Nhừng dù sao tôi cũng rất cảm kích. Tôi khẽ khàng chui vào chăn, nghĩ về tất cả những chuyện đã xảy ra và tất cả những gì phía trước. Hơi thở của tôi chậm lại và tôi chìm vào một giấc ngủ say.
 
Chương 30: Cảnh 5: Thợ làm búp bê


Sáng hôm sau khi tôi thức giấc thì Kiyoshi và Emoto đều đã đi cả. Tôi lại lỡ cơ hội kể cho Kiyoshi những điều đã biết từ con gái ông Yasukawa, thông tin khiến tôi rất phấn khởi. Tôi hơi tiếc vì đã ngủ nướng, nhưng rồi chợt nghĩ ra: tôi có thể tự mình tiếp tục quá trình tìm kiếm. Và nếu tôi giải quyết được vụ án trước Kiyoshi thì đó sẽ là một kết thúc quá ư có hậu.

Tôi thay quần áo và đi thẳng tới xưởng xe Karasuma. Tôi đến nhà Shusai Yoshida lúc khoảng 10 sáng. Tôi đẩy cánh cửa trượt ở lối vào và gọi to để xem có ai ở nhà không. Một bà lão mặc kimono xuất hiện. Tôi thưa rằng tôi muốn nói chuyện với ông Yoshida.

“Tôi e rằng chồng tôi đang ở Nagoya,” bà lão đáp.

Tôi thấy lòng chùng hẳn xuống. “Chà, cho phép cháu hỏi khi nào bác trai sẽ về ạ?”

“Có lẽ tối nay.”

Chậc, thế còn hơn không. Tôi xin hỏi số điện thoại để gọi trước khi tới lần nữa.

Chán nản, tôi đi bộ về phía nam dọc sông Kamo cho tới khi dòng chảy nhập vào sông Takano. Thật tình cờ, tôi nhận ra mình đã ở gần Imadegawa: Đó chính là nơi gia đình vợ cũ của Heikichi, bà Tae, đã từng sống một cuộc sống không mấy hạnh phúc.

Giờ đã là ngày mùng 10. Chỉ hai ngày nữa, chúng tôi phải kết thúc giao kèo với Takegoshi Con. Tôi có cảm giác rằng chúng tôi không thể thu được gì vào thời gian đó, cho dù tối nay thu được manh mối quan trọng từ Shusai Yoshida hoặc có được một chỉ dẫn bất ngờ nào đó vào ngày mai.

Tôi gọi đến nhà Yoshida lúc 2 giờ chiều. Bà lão cho tôi biết lão vẫn chưa về và xin lỗi tôi. Tôi không muốn cứ làm phiền bà nên quyết định không gọi lại trước 5 giờ chiều. Tôi cảm thấy tâm trạng thất vọng ngày càng tăng.

Tôi ngồi trong công viên một lúc rồi đi tới một hiệu sách. Cuối cùng, tôi ghé vào một quán cà phê ở tầng hai để có thể nhìn người ta qua lại mà không để họ phát hiện ra mình. Lúc 4 giờ 50 chiều, không thể đợi lâu hơn được nữa. Tôi quay số máy nhà Yoshida và phấn chấn hẳn khi nghe tin ông lão vừa về đến nhà. Tôi gác máy và chạy lao đi, suýt nữa va phải cô phục vụ đang bưng một khay cà phê nóng.

Con gái ông Yasukawa nói rằng ông Shusai Yoshida khoảng 60 tuổi; nhưng mái tóc bạc trắng khiến ông lão trông già hơn nhiều. Ông Yoshida chào tôi rất nhã nhặn và dẫn tôi vào phòng khách. Ngồi xuống trường kỷ, tôi thuật lại thật nhanh lời thú nhận của ông Bunjiro Takegoshi và cuộc trò chuyện của tôi với con gái ông Yasukawa.

“Dường như ông Yasukawa nghĩ rằng ông Heikichi Umezawa vẫn còn sống. Bác có nghĩ ông Umezawa vẫn còn sống không ạ? Và nếu đúng vậy thì ông ấy có tạo ra Azoth không?” Tôi hỏi.

Ông Yoshida im lặng ngả người trên ghế, lắng nghe rất chăm chú. Vẻ mặt ông lão thoải mái, mái tóc bạc ôm lấy khuôn mặt hơi dài với ánh mắt dịu dàng nhưng sắc bén. Dáng điệu của chủ nhà toát lên vẻ chính trực và căng tràn sức sống. Thật ngạc nhiên là ông ấy rất hợp với hình ảnh con sói đơn độc mà tôi hình dung.

“Dĩ nhiên tôi có biết vụ án,” ông lão bắt đầu nói. “Tôi đã tìm hiểu vụ việc bằng kỹ thuật đoán số mệnh nhưng không có bất kỳ kết luận gì về cái chết của Heikichi Umezawa. Tôi nghĩ 60% khả năng là ông ấy đã chết. Về Azoth, theo tôi chắc Heikichi đã tạo ra nó. Tôi là thợ làm búp bê, nên tôi hiểu suy nghĩ của ông ấy. Nếu Heikichi gây ra các vụ án mạng thì không có lý do gì ông ấy lại không hoàn thành ý tưởng sáng tạo của mình.”

Đúng lúc đó, bà vợ ông Yoshida bưng một ít trà và bánh ngọt bước vào phòng. Tôi nhận ra do quá chú tâm với những suy nghĩ của mình nên quên mang theo một món quà theo phong tục truyền thống. Tôi bối rối xin lỗi.

“Ồ, đừng ngại,” ông Yoshida cười to, khiến tôi cảm thấy an tâm.

Các giá sách trong phòng khách đầy kín sách và đủ các loại búp bê; một số con được làm bằng gỗ, một số bằng nhựa tổng hợp. Hầu hết số búp bê ấy trông vô cùng sống động. Tôi hỏi ông Yoshida xem mối quan tâm đến nghề làm búp bê của ông lão hình thành như thế nào.

“Chà, thật sự thì tôi quan tâm đến con người. Không dễ giải thích mối liên hệ này trừ phi có cùng chung sở thích.”

“Cháu hiểu. Nhưng bác nói bác có thể hiểu niềm đam mê của ông Heikichi Umezawa đối với việc tạo ra Azoth.”

“Để tôi giải thích nhé. Có gì đó rất kỳ diệu - nói như thế đúng hơn - về công việc chế tạo búp bê. Búp bê là bản sao của con người. Khi tạo ra một con búp bê một cách suôn sẻ, chúng ta có được cảm giác nhất định về sự sáng tạo. Chúng ta cảm thấy như thể con búp bê đang dần dần có linh hồn. Tôi đã từng có cảm giác này nhiều lần. Chính vì thế, khi làm búp bê, luôn có một cảm giác kỳ lạ về sức mạnh. Cảm giác mà tôi có được sâu xa đến mức tôi không thể nào tìm được đúng từ để diễn đạt xem tại sao nó lại cuốn hút tôi đến vậy. Từ ‘cuốn hút’ chưa thật sự đúng với những gì tôi cảm nhận. Theo truyền thống, anh Ishioka ạ, người Nhật không thích làm búp bê lắm. Thời xưa, họ làm những hình haniwa trong các dịp lễ; đó là hình nhân thế mạng thay cho những người bị chôn sống làm vật hiến tế. Làm búp bê có ý nghĩa như là tạo ra một con người chứ không phải là một sở thích hay nghệ thuật. Thực tế, người Nhật xưa rất sợ rằng một con búp bê có thể đánh cắp linh hồn họ. Đó là lý do tại sao họ không muốn tạo ra chúng hoặc thậm chí không vẽ những bức chân dung: điều đó không phải do họ thiếu kỹ năng. Vẽ chân dung - cũng như làm búp bê - là một điều cấm kỵ. Chính vì thế rất ít chân dung hoặc tượng của các hoàng đế và tướng lĩnh ở Nhật Bản, trong khi ở Hy Lạp và La Mã đến đâu cũng gặp tượng và chân dung của các hoàng đế và anh hùng. Ở Nhật Bản cổ đại, chỉ có Đức Phật được tạc tượng. Chuyện này nghe có vẻ buồn cười trong xã hội hiện đại, nhưng đó là tín ngưỡng xa xưa. Thợ thủ công dành cả đời mình cống hiến cho công việc. Nghề làm búp bê chỉ trở thành một sợ thích phổ biến vào cuối thập niên 1920.”

“Vậy ý tưởng về Azoth là…”

“Chà, có thế đó là một mối quan tâm về mặt tri thức, nhưng dĩ nhiên nó cũng là một khái niệm hoàn toàn vô nhân đạo. Sử dụng người thật để làm búp bê là trái với các quy định, là chống lại tự nhiên. Xét về lịch sử, tôi có thể đoán được ông Umezawa lấy ý tưởng đó từ đâu. Có lẽ hầu hết những người chế tạo búp bê nghiêm túc ở thế hệ tôi đều biết điều này, nhưng không ai theo con đường mà ông ta chọn. Đó là vấn đề nguyên tắc. Ý tưởng của ông Umezawa rất xa lạ với những ý tưởng của một thợ làm búp bê.”

“Rất thú vị. Cháu bắt đầu hiểu ý bác là gì rồi, bác Yoshida. Nhưng bác nói có thể ông Umezawa đã chết. Tại sao bác lại nghĩ như vậy?”

“Đó là phán đoán của tôi. Vừa là thợ làm búp bê vừa là thầy bói, tôi rất tò mò với vụ án này. Bên cạnh đó, như anh biết đấy, tôi biết Yasukawa, bạn của Umezawa. Rất có thể Umezawa còn sống, nhưng để chứng minh, tôi cần phải có bằng chứng cụ thể, nhưng tôi lại không có. Cảm nhận của tôi dựa trên cảm giác chứ không phải logic. Tôi trình bày như thế này để anh nghe nhé, anh Ishioka. Giả sử Umezawa còn sống, ông ấy vẫn cần phải có liên hệ với xã hội. Cho dù ông ấy ẩn nấp trong một vùng núi thì ông ấy cũng sẽ vẫn cần ăn. Chuyện đó rất không đơn giản như người ta nghĩ. Nếu dân làng nhìn thấy ông Umezawa đi kiếm thức ăn, họ sẽ nghĩ ông ấy là kẻ lang thang và sẽ báo cảnh sát. Và nếu Umezawa chọn sống trong một đô thị thì láng giềng của ông ấy cũng sẽ muốn biết ông này là ai và từ đâu đến.

“Người Nhật rất thóc mách, tôi nghĩ họ quá chú ý đến người khác. Nhật Bản là một hòn đảo và do tinh thần đảo quốc nên bất kỳ cộng đồng nào cũng sẽ sớm có thái độ ngờ vực với một người như Umezawa dù rằng ông ta có định sống ở đâu đi chăng nữa. Giả sử Umezawa tự sát sau khi tạo ra Azoth; xác chết chắc chắn sẽ bị phát hiện. Sẽ có ai đó chôn cất hoặc hỏa táng cái xác. Rõ ràng, ông ấy không thể làm việc đó một mình được. Và chính vì thế nên không thể nghĩ rằng Umezawa còn sống được.”

“Bác đã bao giờ nói chuyện này với ông Yasukawa chưa?”

“Có, tôi từng nói rồi.”

“Thế ông ấy bảo sao?”

“Ông bạn tôi không nghe tôi nói. Ông già đó hơi cuồng tín với những quan niệm của riêng mình.”

“Đúng vậy, cháu nghe nói ông Yasukawa tin rằng ông Umezawa vẫn còn sống… Nhưng bác nghĩ chuyện gì đã xảy ra với Azoth?”

“Theo ông Yasukawa, nó đã được tạo ra và đặt ở đâu đó tại Nhật Bản.”

“Ông ấy có đề cập đến vị trí cụ thể nào không ạ?”

“Có chứ,” ông Yoshida đáp và đột nhiên cười phá lên.

“Ông ấy nói đó là chỗ nào ạ?”

“Ở Meiji-Mura… Làng Meiji. Anh có biết chỗ đó không?”

“Cháu chỉ vừa mới nghe đến cái tên đó thôi.”

“Đó là một công viên di sản do Công ty Đường sắt Meitetsu phát triển ở Inuyama thuộc tỉnh Aichi, phía bắc Nagoya. Mọi thứ đều mô phỏng theo cuộc sống thời Minh Trị (1868-1912) và đến giờ vẫn còn hàng chục tòa nhà cổ tồn tại từ thời đó. Rất tình cờ vì hôm qua tôi vừa mới ở đây về.”

“Thật không ạ? Nhưng Azoth nằm ở chỗ nào tại Meiji-Mura chứ? Được chôn ở đâu đó chăng?”

“Chà, trong công viên có một bưu điện cũ, từ Uji-Yamada, nơi trưng bày những vật lưu niệm của ngành bưu chính Nhật Bản qua nhiều năm. Nó có cả những hình mẫu các nhân viên đưa thư trong bộ đồng phục thuộc các thời kỳ khác nhau, những hòm thư cổ lỗ sĩ - đại loại như thế.”

“Vậy là giống như một bảo tàng ạ?”

“Đúng. Hiện tại triển lãm có duy nhất một ma-nơ-canh nữ trong góc phòng. Yasukawa khăng khăng cho rằng đó chính là Azoth!”

“Sao cơ ạ…? Thật không tin nổi! Nhưng chúng ta không thể truy nguyên xem nó xuất xứ từ đâu ư? Điều đó hoàn toàn có thể cơ mà, phải không bác?”

“Ồ, anh không cần phải truy nguyên xuất xứ đâu, anh Ishioka ạ. Đó là một dự án mà cá nhân tôi có tham dự, Anh biết đấy, tôi là nhân viên Công ty Sản xuất Ma-nơ-canh Owari ở Nagoya, nằm trong nhóm chuyên qua lại giữa Nagoya và Kyoto, sản xuất ma-nơ-canh cho toàn bộ công viên Meiji-Mura. Nhưng có chuyện bí ẩn xảy ra: đúng hôm khai trương, chúng tôi phát hiện thấy có một mẫu ma-nơ-canh mà chúng tôi không chế tạo đã được cho thêm vào để trưng bày. Đó là một ma-nơ-canh nữ, và không phải là sản phẩm của bất cứ ai trong số chúng tôi cho nên mọi người kết luận rằng ban quản lý Meiji-Mura đã thay đổi quan điểm và bổ sung vào phút cuối cùng. Yasukawa cũng không hẳn điên khùng khi nghĩ đó là Azoth, bởi vì ma-nơ-canh này thực sự có diện mạo rất đặc biệt.”

“Hôm nay bác đến Meiji-Mura để sửa chữa ma-nơ-canh à?”

“Không. Tôi đến thăm một người bạn, cũng là một nghệ nhân. Phải thú nhận rằng tôi mê nơi đó; nó gợi cho tôi nhớ đến thời tuổi trẻ của mình ở Tokyo. Người ta đã dẹp bỏ nhiều công trình cũ: một phần của Khách sạn Hoàng đế - do Frank Lloyd Wright thiết kế - rồi Cầu sông Sumida cũ, đại loại những thứ kiểu như thế. Ở đó rất thanh bình vì ngày thường không có nhiều khách ghé thăm. Tokyo thì quá đông đúc, tôi chịu chẳng thể sống ở đấy được nữa. Kyoto cũng tốt, nhưng tôi nghĩ Meiji-Mura rất tuyệt. Thỉnh thoảng tôi lại ghen tị với bạn mình vì được làm việc ở đó.”

“Nó là một nơi đẹp thế kia ạ?”

“Ồ, một nơi hoàn hảo. Không biết liệu cánh thanh niên có đồng ý với tôi không.”

“Nhưng, trở lại với ma-nơ-canh nữ… Bác vẫn cười nhạo ý tưởng của ông Yasukawa về chuyện coi nó là Azoth ư?”

“Chậc, Yasukawa lúc nào cũng đắm chìm trong những điều tưởng tượng. Tôi chẳng bao giờ xem ông ấy là nghiêm túc cả.”

“Nhưng ông ấy đã chuyển tới Kyoto để được gần bác, có phải không ạ?”

“Tôi không biết,” Yoshida mỉm cưới, thoáng chút cay đắng.

“Chắc hai bác là bạn bè thân thiết?”

“Bạn tôi thường xuyên tới thăm tôi. Tôi không định nói xấu người đã khuất, nhưng nói thật với cậu, những ngày cuối đời ông Yasukawa có vẻ rất lạ. Cố gắng giải quyết vụ án hoàng đạo trở thành nỗi ám ảnh của ông ấy. Tôi biết đó là sở thích của nhiều người, nhưng với ông Yasukawa thì nó biến thành một dạng nghiện. Bạn tôi thảo luận về vụ án với tất cả mọi người ông ấy gặp. Ông lão cũng bị ốm. Luôn có một chai nhỏ rượu mạnh trong túi. Tôi khuyên ông ấy nên cai rượu, nhưng lời khuyên của tôi bị bỏ ngoài tai. Ông ấy không quan tâm đến cái gì khác ngoài việc nhâm nhi chai rượu và say sưa phân tích những quan điểm về các vụ án, cho dù người nghe có quan tâm dù chỉ chút xíu hay là không. Cho nên cuối cùng người ta tìm cách lảng tránh ông lão. Những lần ghé chơi nhà tôi thưa hơn sau một lần tôi thể hiện thái độ bực bội. Nhưng hễ khi nào có một giấc mơ, ông lão lại chạy ngay đến kể cho tôi một cách tường tận. Phần lớn thời gian Yasukawa chẳng làm được gì có ý nghĩa. Ông ấy đánh mất mối liên hệ với thực tiễn. Đỉnh điểm là lần ông ấy chỉ một người bạn khác của tôi và tuyên bố, ‘Người này chính là Heikichi Umezawa!’ Rồi sụp xuống sàn, vái lấy vái để và kêu khóc ‘Đã lâu rồi mới được gặp lại ông, ông Umezawa!’ Bạn tôi có một cái sẹo phía trên lông mày, và đó có vẻ là điều khiến Yasukawa chú ý.”

“Ông Umezawa cũng có một cái sẹo ư?”

“Tôi không rõ. Chắc chỉ có ông Yasukawa mới biết.”

“Bác vẫn còn liên lạc với người bạn đó của bác chứ?”

“Có, ông ấy là một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi. Ông ấy là người tôi vẫn tới thăm tại Meiji-Mura.”

“Cháu hiểu. Cháu xin tên ông ấy được không?”

“Hachiro Umeda.”

“Hachiro Umeda ạ?!”

“Đừng vội rút ra bất kỳ kết luận gì, anh Ishioka. Yasukawa tin rằng Hachiro Umeda chính là Heikichi Umezawa. Tên của họ nghe có vẻ giống nhau, nhưng không hề có bất kỳ bằng chứng gì cho thấy họ là cùng một người. Umeda là một cái tên rất thông dụng ở khu vực Kansai, và trên thực tế, ga lớn nhất tại Osaka lại nằm ở một nơi gọi là Umezawa.”

Măc dù Yoshida cố gắng phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào nhưng sự nghi ngờ của tôi càng tăng thêm nữa. Tôi chú ý đến cái tên Hachiro hơn là cái họ Umeda. Hachi nghĩa là “tám” và chính xác đã có tám nạn nhân trong vụ án Hoàng đạo: Heikichi (hoặc kẻ đóng thế, nếu ý tưởng của tôi là đúng), Kazue, và sáu cô gái nhà Umezawa.

“Theo như tôi biết,” Yoshida tiếp tục, “Umeda chưa bao giờ sống ở Tokyso. Ông ấy trẻ hơn tôi, cho nên không thể là ông Umezawa được. Ông Yasukawa đã nhầm lẫn vì cho rằng Umeda trông giống Umezawa thời còn trẻ.”

“Thế ông Umeda làm gì ở Meiji-Mura ạ?”

“Ông ấy làm việc tại đồn cảnh sát Kyoto Shichijo, một tòa nhà nguyên bản từ thời Minh Trị. Ông ấy không phải cảnh sát thực sự nhưng làm một số công việc của cảnh sát, mặc đồng phục cảnh sát thế kỷ 19 và vác theo kiếm.”

Tôi đang suy nghĩ xem làm cách nào tôi có thể gặp người này thì ông Yoshida xen vào như thể đang đọc được suy nghĩ của tôi. “Có lẽ cậu muốn gặp ông lấy, nhưng tôi cam đoan với cậu rằng cậu không nên coi Hachiro là Heikichi Umezawa. Ông Hachiro trẻ hơn ông Umezawa rất nhiều nếu Umezawa có sống tính đến thời điểm này và tính cách hai ông già đó thì khác nhau như nước với lửa; ông Umeda làmột diễn viên hài kịch bẩm sinh, trong khi Heikichi Umezawa là người phản kháng xã hội và hướng nội. Thêm nữa, ông Umezawa thuận tay trái, còn ông Umeda thuận tay phải.”

Lúc tôi ra về và cảm ơn Yoshida đã dành thời gian tiếp, vợ ông ấy bước ra chào tạm biệt, cúi người rất thấp. Yoshida bước ra phố cùng tôi. “Công viên Meiji-Mura mở cửa từ 5 giờ đến 10 giờ vào mùa xuân,” ông nói. “Hãy đến sớm. Cậu sẽ mất vài tiếng để thăm thú xung quanh đấy.”

Tôi cảm ơn ông lần nữa và đi về phía trạm xe buýt. Tôi ngước nhìn vầng thái dương đang lặn, hy vọng nó không phải là khúc xạ của những gì sắp tới.

Khi quay trở về, tôi thấy Emoto đang bình thản nghe nhạc nhưng không thấy Kiyoshi đâu cả.

Kiyoshi đâu? Ông đã gặp cậu ấy chưa?” Tôi hỏi.

“Có, tôi gặp lúc cậu ấy vừa ra ngoài,” Emoto trả lời.

“Cậu ấy thế nào?”

“Chà… Ừm… trông cậu ấy rất giận dữ, chẳng thèm nói với tôi đi đâu, cậu ấy chỉ nói ‘Tôi sẽ không bỏ cuộc!’ và sau đó lao ra ngoài.”

Thật tò mò. Nhưng vì đã câu được con cá của mình nên tôi hỏi mượn Emoto xe hơi vào ngày hôm sau.

“Ổ, cứ lấy mà dùng,” Emoto đáp.

Mệt nhoài sau một ngày hoạt động, tôi quyết định không thức khuya nữa. Tôi đặt chuông báo thức với hy vọng sẽ dậy được sớm. Không biết giao thông ở Kyoto có tệ hại như ở Tokyo không nhưng tôi vẫn quyết định đi từ lúc 6 giờ sáng để tránh giờ cao điểm. Đi sớm như thế tôi sẽ không gặp được Kiyoshi, nhưng biết làm sao được: Rõ ràng cậu ấy đang đi theo con đường riêng của mình và tôi cũng vậy. Chúng tôi sẽ nói chuyện khi tôi quay về vào buổi tối.

Tôi trải nệm ra sàn và trải sẵn cả cho Kiyoshi để đáp lại sự giúp đỡ của cậu ấy lần trước, đoạn kéo chăn trùm kín đầu và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
 
Chương 31: Cảnh 6: Ma-nơ-canh


Tôi có một giấc mơ kỳ dị. Khi thức giấc, tôi không thể nhớ được nội dung giấc mơ đó, nhưng cứ nghĩ đến nó thì thấy rùng mình.

Kiyoshi vẫn đang ngủ. Tôi nghe tiếng cậu càu nhàu khi tôi chui ra khỏi túi ngủ.

Bên ngoài trời rất lạnh, nhưng không khí thật trong lành. Tôi hoàn toàn tỉnh táo khi xuống đến chân cầu thang.

Xe của Emoto khởi động rất dễ, tôi lái ra Cao tốc Meishin, hòa vào dòng xe cộ lưu thông một cách thuận lợi. Một tấm biển quảng cáo trên bãi trống bên tay trái lọt vào tầm mắt. Một cô gái đang mỉm cười bên cạnh chiếc tủ lạnh, mái tóc tung bay trong gió. Đột nhiên, giấc mơ trở lại với tôi. Một thiếu nữ xinh đẹp, hoàn toàn khỏa thân, đang vùng vẫy giữa đại dương, mái tóc dài của cô ta dập dờn theo sóng. Hai bầu vú, bụng và đầu gối của cô ta gầy một cách bất thường, như thể được bó chặt lại bằng một sợi dây. Cô gái nhìn thẳng vào tôi, nhưng tôi không tài nào nhận ra cô ta. Dường như cô gái đang ra hiệu cho tôi trong sự im lặng lạnh lùng. Sau đó cô gái biến mất dưới những lớp sóng tối đen.

Tôi ớn lạnh khi nghĩ tới giấc mơ. Phải chăng đó là một dạng thông điệp từ Azoth? Tôi đột nhiên nhớ đến sức mê hoặc kỳ quái đã ám ảnh Tamio Yasukawa khiến người đàn ông hóa điên và nhảy xuống biển...

Tôi ra khỏi đường cao tốc ở giao lộ Komaki và dòng xe cộ đột nhiên trở nên đông đúc hơn. Mãi tới 11 giờ trưa tôi mới đến được Meiji-Mura. Tôi đỗ xe và lên một chiếc xe buýt chở du khách tới lối vào công viên. Đường rất hẹp, cành lá của những cái cây thấp tè liên tục quét qua kính xe buýt chẳng khác gì đang đi trong rừng. Rồi đột nhiên một vùng nước xanh thẫm hiện ra - hồ Iruka. Công viên di sản được thiết kế giống như một bảo tàng ngoài trời khổng lồ.

Tôi lần theo bảng chỉ dẫn tới khu phục chế một trung tâm thị tứ điển hình của thời Minh Trị. Điều làm tôi ấn tượng nhất đó là toàn bộ nơi này trông chẳng khác gì của Mỹ. Rõ ràng là các kiến trúc sư thời Minh Trị chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách xây dựng phương Tây. Rất ít công trình từ thời đó còn lại nguyên vẹn đến ngày nay ở Nhật Bản: quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan đô thị, dẫn đến tình trạng mai một phong cách truyền thống. Trong khi đó, người Anh vẫn sống trong những ngôi nhà cổ xưa với đồ đạc như cũ từ thời Sherlock Holmes. Một thành phố Nhật Bản điển hình trông rất tẻ nhạt và thiếu điểm nhấn: mọi tòa nhà mới xây đều trông như một nhà máy hoặc nhà tù. Bị bao bọc trong những bức tường trát vữa và những ô cửa sổ nhỏ xíu, người dân chẳng khác gì đang sống trong những nghĩa địa. Dân cư sống không thọ do bị nhồi nhét trong những tòa nhà kiểu phương Tây: có lẽ phong cách này không thật sự phù hợp với khí hậu Nhật Bản. Trước đây, vào mùa hè, người ta ưa để cửa sổ mở để giảm sức nóng và độ ẩm trong nhà. Ngày nay để bảo vệ sự riêng tư của mình, họ xây nhà bằng những khối bê tông dày cộp bốn xung quanh. Kết quả của sự thành công trong kinh tế thời hậu chiến ở Nhật Bản đã khiến hầu hết các hộ gia đình Nhật ngày nay, phụ thuộc vào máy điều hòa nhiệt độ. Sớm muộn, chúng ta cũng phải tìm cách loại bỏ những khối bê tông xấu xí ấy.

Trong lúc lang thang ở Meiji-Mura, tôi bắt đầu ao ước rằng kiến trúc Nhật Bản sẽ lấy lại nét phóng khoáng như đã từng có trước đây.

Tôi đi qua một cửa hàng thịt và Nhà thờ Thánh John, sau đó đến hai công trình truyền thống Nhật Bản. Một trong số đó là ngôi nhà thuần Nhật Bản nơi nhà văn Soseki Natsume đã viết tiểu thuyết nổi tiếng Tôi là con mèo. Có vài người đang ngồi ngoài hiên. Một người trong số họ bắt chước Natsume gọi to, “Lại đây, mèo con, mèo con!”. Giá mà Kiyoshi có mặt ở đây, cậu ấy hẳn sẽ rất khoái đóng giả làm nhà văn huyền thoại đó.

Ý nghĩ tiếp nối ý nghĩ, và tôi nhớ lại một dòng trong cuốn tiểu thuyết khác của Natsume, cuốn Thế giới ba góc. Tôi nhớ đến nó khi tôi đọc lần đầu tiên:

“Tiếp cận mọi việc một cách lý trí, bạn sẽ trở nên cay nghiệt. Bơi đi trong dòng cảm xúc, bạn sẽ bị cuốn phăng đi… Thế giới này của chúng ta không phải là nơi sinh sống dễ chịu.”

Tôi dám chắc Kiyoshi rất hợp với hình ảnh đầu tiên. Trong khi đó, tôi là tuýp người thiên về tình cảm hơn: tôi luôn dễ dàng bị cuốn đi. Cả hai chúng tôi đều không thành công trong thế giới xô bồ. Lúc này đây tôi càng thấm thía những gì Natsume nói. Bunjiro Takegoshi rất giống tôi ở khía cạnh này - đó là con người của tình cảm. Nếu tôi rơi vào tình huống của ông ta, chắc tôi cũng sẽ làm đúng những gì ông đã làm. Và dĩ nhiên, thế giới này không phải là nơi dễ chịu để ông ấy sống.

Gần ngôi nhà của Natsume có mấy bậc cấp đá, khi tôi bước xuống đó, một con mèo trắng chạy vụt qua trước mặt tôi. Nó khiến tôi mỉm cười: bất kỳ ai nuôi mèo đều có khiếu hài hước cả. Bậc cấp dẫn xuống một quảng trường thực chất là nhà ga xe điện Kyoto cũ chạy quanh thành phố. Ở góc phố khác, một nhóm thiếu nữ đang cười khúc khích khi chụp ảnh cùng một người đàn ông trung niên trong trang phục cảnh sát thời xưa. Ông mặc quần dài màu đen có đường chỉ vàng chạy dọc bên sườn, thắt lưng đeo thanh kiếm cũng màu vàng. Trong khi các cô gái lần lượt tạo dáng thì viên cảnh sát vân vê bộ ria rậm cong vút hình ghi đông của mình khiến cho các cô gái cười ngặt nghẽo. Vài vị khách khác mỉm cười khi xếp hàng chờ đến lượt chụp ảnh.

Mọi thứ ở đây diễn ra thật dễ chịu và nhẹ nhàng. Nhân viên phục vụ đều đã đứng tuổi, tốt bụng và rất yêu thích công việc của mình. Bỗng nhiên tôi có cảm giác rằng người đàn ông mặc giả cảnh sát thời Minh Trị có thể chính là Hachiro Umeda. Tôi quyết định sẽ quay lại để nói chuyện với ông ta sau.

Tôi leo lên xe điện. Người soát vé đứng tuổi đục lỗ vé, đóng dấu và trao trả lại cho tôi rồi nói, “Anh có thể giữ lấy vé để làm kỷ niệm của chuyến đi.” Tôi tự hỏi lẽ nào cuộc sống ở Nhật Bản có thể yên bình dễ chịu đến vậy. Chắc chắn đây là một trải nghiệm khác xa với tàu điện ngầm ở Tokyo vào giờ cao điểm.

“Ngọn hải đăng xuất hiện bên phải quý vị vốn nằm ở Shinagawa thủ đô Tokyo… và ngôi nhà bên tay trái là nhà của nhà văn nổi tiếng Rohan Koda…” Người soát vé nói bằng giọng rất tự tin của một người kể chuyện chuyện nghiệp hoặc một diễn viên sân khấu. Mỗi lần ông chỉ vào một tòa nhà hoặc công trình lịch sử nào đó để giới thiệu, nhóm phụ nữ trung tuổi trên xe điện lại đổ dồn từ một bên này xe sang bên kia để nhìn cho rõ. Họ làm cho tôi nhớ tới hình ảnh những con trâu chạy tán loạn.
 
Chương 32


Khi xe điện dừng tại ga cuối, người soát vé nhảy ra khỏi ghế ngồi. Ngạc nhiên trước sự vận động nhanh nhẹn như vậy, tôi nhìn theo qua cửa sổ, quan sát hoạt động của ông ấy. Bất chấp tuổi tác và vóc dáng nhỏ thó của mình, người soát vé vẫn nhảy vọt lên tóm lấy sợi dây mắc vào cần truyền điện giống như một con ếch nhảy lên một cành liễu. Sau khi cái cần bị kéo xuống, người soát vé chạy bên cạnh chiếc xe khi nó xoay trên bàn quay đầu. Chuyển cần truyền điện sang hướng ngược lại, người soát vé chạy trở lại chiếc ghế ngồi của mình. Ông ta ra hiệu cho tài xế tiếp tục, chiếc xe điện lại từ từ chạy ngược lên, giống như con bò vừa thức dậy sau một giấc ngủ ngắn.

Động tác nhanh nhẹn của người soát vé khiến tôi ngạc nhiên. Dường như không ai ở Meiji-Mura tỏ ra vội vã cả và có vẻ thời gian biểu không tồn tại ở nơi này, nhưng cho dù vậy thì ông ấy cũng tỏ ra thích thú với việc vận hành mọi thứ suôn sẻ. Tôi tin chắc gia đình ông sẽ rất lo lắng nếu họ nhìn thấy công việc của một người soát vé phụ xe điện nhọc nhằn thế nào. Sự năng nổ hoạt bát cho thấy ông không hề bị đau lưng hay mất ngủ - nhưng nếu ông bị đột quỵ trong khi đang nhảy thì sao nhỉ? Chà, như vậy âu cũng là số phận mà thôi. Thực tế cho thấy người đàn ông đó sẽ hạnh phúc khi được chết cùng với sợi dây xe điện trong tay hơn là bình yên trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Tôi nhớ những gì Shusai Yoshida đã nói về việc ghen tị với bạn của mình đang làm việc ở công viên này. Tôi có thể hiểu được tại sao ông ấy lại cảm thấy như vậy.

Rời ga xe điện, tôi đi qua đường tàu hỏa Shimbashi và Nhà máy kính Shinagawa. Cuối cùng, đến Bưu điện Uki-Yamada. Tôi đã sẵn sàng gặp Azoth!

Tôi chậm rãi bước lên bậc đá và vào bên trong. Sàn gỗ ở đây được phủ một lớp dầu. Tôi cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Ánh nắng tràn vào qua những ô cửa sổ trên cao. Những hạt bụi lơ lửng trong không trung. Tôi là người duy nhất ở đây.

Phòng triển lãm được bài trí theo trật tự niên đại, bắt đầu với hình tượng một người chạy bộ để truyền tin và phát thư tín. Kế đến là chiếc hòm thư đầu tiên được hệ thống bưu chính Nhật Bản sử dụng. Sau đó là một vài thiết kế khác nhau và kết thúc là một hòm thư màu đỏ rất quen thuộc có dáng một cây cột. Rồi đến hình ảnh bưu tá trong các kiểu đồng phục khác nhau.

Tôi bắt đầu cảm thấy bực bội. “Cô ta đâu nhỉ?” Tôi tự nói với mình khá to. Tôi xoay sang một bên và ở đó, trong một góc tối, là một ma-nơ-canh nữ mặc bộ kimono màu đỏ với mái tóc đen cắt ngang trán. Ngươi có đúng là cô ta không?

Tôi rụt rè tiến đến gần ma-nơ-canh, ngập ngừng như một đứa trẻ. Cô ta đứng thẳng, đôi mắt to đen vô hồn đăm đăm nhìn tôi. Lớp bụi trên tóc và vai của ma-nơ-canh chính là minh chứng rõ rệt cho lịch sử bốn mươi năm của cô ta.

Ngươi là ai? Ngươi muốn nói gì với ta nào?

Trong buổi chiều bình yên, đối diện với thứ bí ẩn này, tôi cảm thấy thật đơn độc, rồi đột nhiên sợ hãi. Tôi bắt đầu rùng mình và vòng tay ôm quanh mình. Tôi tựa lưng vào hàng rào bảo vệ để nhìn cho rõ hơn: đôi chân tôi muốn khụy xuống.

Nếu cô ta cử động thì sao nhỉ?

Tôi đứng sững tại chỗ - cách xa gần hai mét - đăm đăm nhìn cô ta. Ma-nơ-canh có những nếp nhăn quanh mắt. Đôi mắt bằng thủy tinh, đôi tay trông đúng là nhân tạo.

Đợi đã… những nếp nhăn trên mặt cô ta? Mình phải nhìn gần hơn nữa…

Tôi nhìn quanh chẳng thấy ai cả. Nhưng khi tôi vừa định bước qua rào chắn, cửa bưu điện bất ngờ mở và lao công bước vào, cầm theo một cây chổi và một cái xẻng và nó phát ra tiếng kêu lanh lảnh khi chạm xuống sàn.

Mất hết cả nhuệ khí, tôi hối hả rời khỏi tòa nhà bưu điện…

Cảm thấy đói ngấu, tôi mua mấy cái bánh bao cùng hộp sữa và ngồi xuống một chiếc ghế băng. Từ đây, tôi có thể quan sát rõ lối vào chính của Khách sạn Hoàng gia Tokyo nổi tiếng. Trước mặt tôi là hồ nước với một cây cầu hai nhịp. Vài con thiên nga đang lướt trên mặt nước. Quá là đẹp và yên bình vô cùng. Không thấy bóng dáng của con người. Một vệt khói bốc lên phía trên những rặng cây, rồi đầu máy hơi nước xuất hiện từ trong rừng, kéo theo ba toa xe hối hả lăn bánh lên cây cầu sắt.

Trong lúc trệu trạo nhai bánh, tôi bắt đầu băn khoăn tự vấn bản thân, tâm trạng hoàn toàn bối rối. Làm sao Tamio Yasukawa lại có thể nghĩ rằng ma-nơ-canh đó là Azoth được chứ? Không thể nào. Không, không phải ma-nơ-canh đó. Yasukawa mất trí rồi chăng? Hay có ai đó đã đánh tráo vật thật?

Tôi quay trở lại để quan sát thêm nhưng thật tiếc, trong nhà bưu điện có vài vị khách. Tôi đăm đăm ngắm nhìn ma-nơ-canh và sau đó đi tìm Hachiro Umeda.

Khi tôi quay lại thì viên cảnh sát có bộ ria ghi đông đang quét khoảng sân rộng trước đồn. “Tạm biệt ông,” một nhóm thiếu nữ vui vẻ cúi người chào khi ra về. Viên cảnh sát cũng cúi người đáp lại.

Tôi bước lại gần ông. “Cháu xin lỗi, hình như bác là Hachiro Umeda phải không ạ?” Tôi hỏi.

“Vâng, chính là tôi đây,” ông cởi mở đáp lại.

“Cháu tên là Ishioka tới từ Tokyo. Bác Shusai Yoshida có nhắc đến tên bác với cháu. Bác ấy giới thiệu cháu đến gặp bác.”

Vẻ tò mò hiện rõ trên mặt ông Umeda. Sau khi tôi giải thích mọi chuyện - lúc này tôi đã có rất nhiều thực tiễn - ông ấy đặt cây chổi xuống, mời tôi vào trong và đưa cho tôi một cái ghế.

“Để xem nào… Tamio Yasukawa… Ồ, ồ, tôi nhớ ông ta rồi. Một tay nát rượu. Ông ta chết rồi phải không? Tội nghiệp thật, lão già đó sẽ được tận hưởng cuộc đời tươi đẹp hơn nếu như chuyển đến đây. Không khí trong lành, thức ăn ngon... Mọi thứ đều tuyệt vời đối với lão ta nếu như ở đây cho phép uống rượu!” Ông ngừng lại, mỉm cười và nói tiếp, “Trong bộ đồng phục này, trông tôi cũng bảnh đấy chứ nhỉ? Đây đúng là giấc mơ của tôi đấy. Để có cơ hội mặc một bộ đồng phục với cây kiếm như thế này, tôi sẵn lòng làm bất kỳ chuyện gì - thậm chí tham gia diễu hành hoặc đứng làm mẫu chụp bích chương. Cho nên khi nhận công việc ở đây, tôi rất phấn khởi. Tôi có vài lựa chọn như soát vé trên tàu hỏa, lái xe điện hay bất kỳ việc gì, nhưng ngay tức khắc tôi chọn công việc của một cảnh sát!”

Umeda vui vẻ và thân thiện, nhưng lại khiến tôi thất vọng. Từ tất cả biểu hiện, nhiều khả năng là người đàn ông trung niên vui vẻ này chẳng thể nào là tác giả kế hoạch phức tạp của Umezawa và thực hiện những vụ sát nhân kinh khủng. Thêm nữa, trông ông ấy chỉ mới ngoài ngũ tuần, trẻ hơn rất nhiều so với Umezawa nếu như ông ta còn sống. Dĩ nhiên, chắc chắn nhờ lối sống lành mạnh mà ông có được sự trẻ trung như vậy.

Tôi hỏi xem liệu ông ấy đã từng nghe nói đến Heikichi Umezawa chưa.

“Heikichi Umezawa hả? À, chuyện đó rất thú vị. Ông Yasukawa từng có lần say khướt và gọi tôi là Heikichi Umezawa. Tôi bảo ông ta tôi không phải là Umezawa, nhưng ông ta cứ cúi gập người và nói với tôi như thể tôi chính là người đó vậy. Có lẽ tôi giống ông ấy chăng? Nhưng Umezawa là một tội phạm, cho nên tôi không thích lắm. Giờ tôi trong giống Tướng Nogi hay Hoàng đế Minh Trị, chuyện rất khác đấy. Chuyện đó làm cho tôi rất hạnh phúc!” Ông ấy cười to.

“Cháu xin lỗi, nhưng cháu có thể hỏi bác đã sống ở đâu vào năm 1936 không? Thời gian cũng quá lâu, gần bốn mươi năm rồi, nhưng…”

“Năm 1936 à? Hừm… tôi mới 20 tuổi… Hồi ấy là trước chiến tranh, cho nên tôi sống ở Takamatsu trên đảo Shikoku. Tôi làm ở một cửa hàng rượu.”

“Bác sinh ra ở Takamatsu ạ?”

“Phải rồi.”

“Nhưng bác lại nói tiếng vùng Osaka?”
 
Chương 33


“Ồ, bởi vì tôi đã sống ở Osaka một thời gian dài. Khi rời quân ngũ, vì không tìm được việc ở quê nhà, tôi chuyển tới thành phố lớn. Tôi được thuê vào một cửa hàng rượu, nhưng họ bị phá sản. Từ bấy trở đi, tôi làm nhiều việc khác nhau. Có lúc, tôi đẩy xe bán mì ramen dạo, có lúc tôi lại làm ở một nhà máy chế tạo ma-nơ-canh.”

“Có phải đó là khi bác gặp ông Yoshida phải không ạ?”

“Không, không phải, tôi gặp ông ấy sau khi tôi bỏ công việc đó, đến làm nhân viên bảo vệ ở một tòa nhà tại Osaka. Hơn mười năm trước rồi… không… có lẽ phải đến gần hai mươi năm rồi. Tôi biết một nghệ sĩ điêu khắc thuê một chỗ làm xưởng nghệ thuật ở trong cùng tòa nhà. Chúng tôi trở thành bè bạn và ông ấy giới thiệu tôi tới sinh hoạt tại câu lạc bộ làm búp bê ở Kyoto do Shusai Yoshida khởi xướng. Yoshida vừa từ Tokyo chuyển đến và còn lạ nước lạ cái nên tôi gợi ý tôi có thể giúp nếu ông ấy cần. Rốt cuộc, tôi trở thành phụ tá làm búp bê cho Shusai Yoshida. Ông ấy nói rằng chỉ làm việc này như một sở thích mà thôi, nhưng ông ấy quá khiêm tốn. Nói đến làm búp bê chẳng ai giỏi hơn ông ấy được. Đây không chỉ là ý kiến của riêng tôi đâu, tất cả các chuyên gia đều nói như vậy. Yoshida là bậc thầy trong lĩnh vực này. Kỹ thuật và nghệ thuật của ông ấy đặc biệt xuất sắc khi sáng tạo gương mặt búp bê theo phong cách Tây phương. Hồi tổ chức Hội chợ năm 1970 ở Osaka, người ta còn đề nghị ông ấy trưng bày một số búp bê của mình, lúc đó tình bạn của chúng tôi thắm thiết lắm. Để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho ngày khai trương, chúng tôi đã phải làm việc thâu đêm. Đó là một công việc vất vả, nhưng tôi rất thích được làm việc với ông ấy.”

Đúng như vậy. Shusai Yoshida có một sức thu hút nhất định. Tôi đã tận mắt chứng kiến. Yasukawa và Umeda đều phục tùng ông; những người khác chắc chắn cũng vậy. Bí mật cho sự thu hút của ông ấy là gì? Khả năng đoán số mệnh chăng? Hay sự nhạy bén nghệ thuật?

Umeda là một người dễ chịu, một người biết tận hưởng cuộc sống, đến mức tôi đã bỏ suy nghĩ ông ấy là Umezawa. Tôi hỏi thăm về gia đình ông.

“Chà, tôi từng kết hôn, đã rất rất lâu rồi cho nên cũng khó mà nhớ được. Vợ tôi chết trong một trận oanh kích, bấy giờ tôi còn tại ngũ, ngày đêm ở mặt trận, thì lại không chết… Chẳng biết tại sao nữa. Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ phụ nữ, trẻ em và tổ quốc, nhưng tôi lại mất bà ấy. Tôi yêu vợ vô cùng. Kể từ đó, tôi sống độc thân và tận hưởng sự tự do của mình. Có lẽ một số người thích xiềng xích ràng buộc của cuộc sống hôn nhân, nhưng tôi thì không.”

Tôi không biết đáp lời sao, nên chuyển đổi chủ đề. “Bác Yoshida đã đến đây hôm qua, có phải không ạ?”

“Đúng, ông ấy đến đây thường xuyên, mỗi tháng một lần. Tôi rất quan tâm đến ông bạn già, hễ không gặp nhau vài tuần là tôi đi Kyoto thăm ông ấy ngay.”

“Gia đình bác ấy thế nào ạ?”

“Cả tôi và các thành viên câu lạc bộ đều chẳng biết gì về quá khứ của ông ấy,” ông Umeda đáp, “nhưng chúng tôi thật sự không bận tâm. Tôi nghe có người nói ông ấy xuất thân trong một gia đình giàu có và rằng ông ấy có nhà và xưởng riêng khi còn trẻ, nhưng ai bận tâm làm gì? Chúng tôi đều quý Yoshida. Ông ấy như người thầy của chúng tôi. Tôi cảm thấy rất thư thái mỗi khi gặp ông ấy. Yoshida có kiến thức và kinh nghiệm phong phú về nhiều lĩnh vực. Ông ấy sâu sắc và uyên bác lắm, tôi đã từng hỏi ông ấy về tương lai của mình. Để tôi kể với anh, tài năng của Yoshida là gì đó vượt xa đoán vận mệnh. Ông ấy biết mọi thứ… Vâng, đúng thế, biết mọi thứ…”

Umeda nói rất bình thường, nhưng câu cuối cùng của ông khiến tôi sững sờ. Con người chân chất, vô tư lự này hiểu rõ điều gì đó mà tôi hoàn toàn bỏ qua. Kẻ tôi đang tìm kiếm là một hung thủ với sức mạnh, kiến thức cùng trí thông mình siêu nhiên, biết chế tạo búp bê và đoán vận số… đã bị sát hại… Lẽ nào đó chính là Shusai Yoshida?

Đột nhiên có vài chi tiết dường như liên quan với nhau. Yoshida có lẽ đã ngót 80 tuổi, độ tuổi phù hợp. Quan trọng hơn thế, ông ta biết điều mà mấy cuốn sách không hề đề cập đến: rằng Heikichi thuận tay trái. Làm sao ông ta biết được? Khi nói về cuộc sống của một kẻ lánh đời, ông ta vận dụng vốn hiểu biết của một người đã có thực tế trải nghiệm. Ông ta cũng biết lịch sử và triết lý chế tạo búp bê ở Nhật Bản. Nghe rất liên quan đến những ghi chép của Heikichi.

Một câu hỏi khác nảy ra trong trí tôi. Chắc chắn Yoshida là một người quyến rũ, nhưng lý do thật sự khiến Tamio Yasukawa theo ông ta tới Kyoto là gì? Một cảm giác phấn khích trào lên trong tôi.

Không biết đến những gì đang diễn ra trong đầu tôi, Umeda tiếp tục giải bày về sự tuyệt vời của “sư phụ”. Tôi đợi ông nói hết rồi mới hỏi về ma-nơ-canh bí ẩn trong nhà bưu điện.

“Ồ, phải, tôi biết đám ma-nơ-canh. Ông Yoshida và Công ty Ma-nơ-canh Owari tạo ra chúng… Ồ, cậu đã biết chuyện đó rồi à?... Sao cơ? Có một ma-nơ-canh bí ẩn à? Tôi chưa bao giờ nghe nói về nó cả, chưa hề… Ông Yoshida cũng không biết nó từ đâu ra à? Ôi, thật à?... Hừm, tại sao cậu không hỏi ông Murooka, giám đốc của Meiji-Nuro nhỉ? Ông ấy ở khu văn phòng chính gần cổng ra vào ấy.”

Tôi cảm ơn ông Umeda và rời khỏi đồn cảnh sát. Ông ấy thật tốt bụng và thoải mái, tôi cảm thấy như thể mình vừa chia tay một người bạn mới tìm được. Tôi quay lại nhìn ông chắc chắn với chút bâng khuâng và nghĩ rằng có lẽ không bao giờ còn được gặp lại ông ấy nữa. Ông rất thoải mái với cuộc sống đơn giản và khoác lên người bộ đồng phục ưa thích. Tuy nhiên, ông chắc chắn không phải là người mà tôi đang tìm kiếm.

Ở bưu điện, tôi được dẫn tới phòng giám đốc. Khi tôi hỏi ông ấy về ma-nơ-canh nữ kia, ban đầu hơi có vẻ ngạc nhiên nhưng ngay sau đó ông ấy bật cười, “Nó đâu có gì là bí ẩn, anh bạn trẻ. Ban đầu chúng tôi chỉ có ma-nơ-canh nam, cho nên tôi đặt hàng thêm với Công ty Meitetsu. Hôm sau họ mang ma-nơ-canh nữ từ cửa hàng của họ sang thôi.”

Nếu tôi đang giải đáp một bí ẩn bình thường mà không chịu áp lực về thời hạn thì tôi sẽ tìm tới Công ty Meitetsu, nhưng bí ẩn này vượt xa mức bình thường và quan trọng hơn sau ngày mai, thời gian của chúng tôi sẽ rất ít. Tôi bèn lái xe quay về Kyoto. Thêm nữa, mấy ngày nay tôi không nói chuyện với Kiyoshi. Chúng tôi cần phải trao đổi với nhau những nội dung thu thập được.

Trong khi lái xe, tâm trí tôi đầy những ý nghĩ về Shusai Yoshida, lúc này đã trở thành trọng tâm điều tra của tôi. Ông ấy có sức hút, hòa nhã và khôn khéo, nhưng bất kỳ ai cũng có thể mắc sai lầm. Ông ấy là người giàu có và không tì vết. Phải chăng đã có một thủ thuật? Phải chăng Heikichi Umezawa đã được đưa vào một cái hộp đen để rồi xuất hiện trở lại trong lốt Shusai Yoshida?

Vụ việc này quá sức đối với tôi. Tôi cần sự giúp đỡ của Kiyoshi.

Tôi quay về đúng giờ cao điểm lúc chiều tối, nên phải đỗ xe và mua một thứ gì đó ăn tạm tại quán cà phê. Tôi ngắm nhìn hoàng hôn, tâm trí vẫn quẩn quanh về Yoshida. Thật căng thẳng khi thử thách não cân như vậy. Tôi sẽ phải tìm kiếm điều gì đó mà chỉ thủ phạm mới biết. Người bạn của ông ấy là Yasukawa, biết rõ về Heikichi, giờ đã chết. Yoshida có thể khai rằng ông ấy nghe nói về vụ việc từ Yasukawa. Người chết thì không nói được gì nữa, cho nên tôi sẽ không có cách nào xác minh được sự thật.

Tôi quay trở lại căn hộ của Emoto lúc hơn 10 giờ tối một chút. Kiyoshi vẫn chưa về còn Emoto đang xem TV một mình. Tôi tặng một món quà lưu niệm Meiji-Mura và cảm ơn Emoto vì đã cho mượn xe. Vì tôi quá mỏi mệt nên chúng tôi không thể trò chuyện nhiều về chuyến đi. Tôi vào phòng ngủ, quăng hai cái túi ngủ lên sàn, chui vào túi của mình và lập tức chìm vào giấc ngủ say.
 
Chương 34: Cảnh 7: Đại lộ Triết gia[1]


[1] Đại lộ Triết Gia (Philosopher’s Walk) là một lối đi cho khách bộ hành bám theo một con kênh hai bên là những cây anh đào nằm ở Kyoto, giữa Ginkaku-ji và Nanzen-ji. Con đường này được đặt tên như vậy vì triết gia người Nhật rất có ảnh hưởng ở thế kỷ 20 và cũng là giáo sư của Đại học Kyoto, Nishida Kitaro, thường sử dụng khu vực này hằng ngày cho mục đích tĩnh tọa.

Thói quen ngủ nướng của tôi dường như đã thay đổi. Tôi dậy rất sớm, vào đúng thời gian tỉnh giấc của hôm trước. Shusai Yoshida lập tức hiện ra trong tâm trí và tôi cần phải nói chuyện với Kiyoshi. Tôi nhìn sang phía túi ngủ của cậu ấy, nhưng Kiyoshi có vẻ đã dậy và đi mất.

Thật cần cù, thật nhiệt tình với nhiệm vụ!

Tuy nhiên, khi lại gần nhìn kỹ hơn túi ngủ đó tôi mới nhận ra rằng nó vẫn chưa được động tới. Trước lúc đi ngủ đêm hôm trước, tôi chỉ ném túi ngủ của Kiyoshi lên sàn như một ngư dân quăng lưới xuống biển và giờ nó vẫn nằm chồng đống ở đó.

Cậu ấy đâu nhỉ? Có chuyện gì rồi chăng? Cậu ấy gặp nguy hiểm chăng? Cậu ấy đi chỗ quái nào chứ? Hay cậu ấy đã tìm được manh mối quan trọng nào đó?

Hôm nay là thứ Năm ngày 12, ngày cuối cùng của chúng tôi.

Chúng ta cần nói chuyện. Bạn thân mến ơi, chúng ta rất cần nói chuyện!

Phần điều tra của tôi rất hữu ích, nhưng tôi chẳng giải quyết được gì. Chưa làm được gì. Tôi thiết tha muốn chia sẻ thông tin với Kiyoshi. Nhờ vậy cuộc điều tra của chúng tôi hy vọng sẽ đi tới đoạn kết có hậu.

Sao cậu ấy không gọi điện nhỉ?

Tôi cố gằng nằm yên nhưng đầu óc quay cuồng. Tôi ngồi dậy. Emoto vẫn đang ngủ. Tôi khẽ khàng thay đồ và ra ngoài đi bộ. Tôi đi lòng vòng trên bãi cỏ đẫm sương trong công viên, đầu óc quay cuồng.

Khi tôi quay về, Emoto đang đánh răng. Kiyoshi vẫn chưa gọi điện. Tôi quyết định phải ở nhà cho tới khi có tin tức của cậu ấy.

Emoto vừa bước xuống cầu thang để đi làm thì điện thoại đổ chuông, tôi nhảy bổ tối vồ lấy ống nghe.

“Kazumi”… một giọng nói yếu ớt rên rỉ ở đầu dây bên kia. Tôi phải mất vài giây mới nhận ra là Kiyoshi.

“Có chuyện gì thế? Anh ở đâu? Anh ổn chứ?” Tôi tuôn cả tràng bằng giọng gấp gáp.

“Tôi mệt lắm,” Kiyoshi đáp, giọng thều thào. Ngừng một lúc, cậu khẩn khoản, “Tôi nghĩ tôi đang chết… hãy… đến đây giúp tôi…”

“Anh ở đâu? Có chuyện gì thế?”

Tôi chực tuôn ra hàng tràng câu hỏi, nhưng tôi cần biết chính xác cậu ấy ở đâu. Tôi có thể nghe rõ tiếng xe cộ và giọng trẻ con, cho nên tôi cho rằng Kiyoshi đang gọi từ một trạm điện thoại trả tiền trên phố.

“Chuyện gì xảy ra ư? Tôi không thể nói cho anh ngay lúc này được… Tôi yếu lắm rồi.”

“Được rồi, chỉ cần cho tôi biết anh ở đâu thôi!”

“Đại lộ Triết gia… không phải bên bờ Ginkakuji… bên đối diện… ở lối vào…”

Tôi cảm thấy rối bời. Đại lộ Triết gia ư? Đó là cái quái gì vậy? Hay là Kiyoshi mất trí chăng?

“Địa chỉ như thế nào? Tôi đi taxi tới đó có được không?”

“Được, lái xe sẽ biết chỗ. Chỉ cần nói Đại lộ Triết gia. Lái xe sẽ đưa anh đến… Và xin hãy… mua một ít bánh mì với sữa… cho tôi… làm ơn.”

“Bánh mì và sữa à? Được thôi, nhưng tại sao vậy?”

“Để ăn, dĩ nhiên rồi… Tôi còn biết làm gì khác với mấy thứ đó?”

Cậu ấy vẫn có thể châm chọc ngay cả khi không được khỏe. Kiyoshi tội nghiệp.

“Anh có bị thương không?”

“Không…”

“Được rồi, tôi lên đường đây. Cứ ở nguyên chỗ đó nhé!”

Tôi lao ra khỏi nhà và chạy tới ga tàu. Ở Shijo-Kawaramachi, tôi mua mấy cái bánh kẹp và vài hộp sữa. Tôi vẫy một chiếc taxi. Kiyoshi nói đúng - người lái xe biết cần đưa tôi đi đâu.

Tôi hoàn toàn mù mịt về những gì đang diễn ra. Nghe giọng Kiyoshi vó vẻ như sắp chết đến nơi. Hay cậu ấy đang hấp hối thật? Phải chăng đây lại là một màn kịch gay cấn khác? Hay cậu ấy đang trêu chọc tôi? Thỉnh thoảng, Kiyoshi tỏ ra rất đáng ghét nhưng cậu vẫn là người bạn đích thực duy nhất của tôi.

Lái xe thả tôi ở chân một con dốc và chỉ cho tôi lên đỉnh dốc. Đó là một công viên nhỏ, và đương nhiên là cả một tấm biển ghi “Đại lộ Triết gia”. Không có ai ở xung quanh cả.

Tôi đi theo con đường chạy dọc một dòng kênh. Không bao lâu, tôi thấy một chú chó mực đang vẫy đuôi và hít ngửi quanh một gã đàn ông vô gia cư nằm dài trên ghế băng. Đó chính là Kiyoshi!

Tôi gọi tên cậu ấy. Kiyoshi lầm bầm gì đó và cố gắng ngồi dậy. Cậu ấy yếu tới mức phải để tôi đỡ mới có thể ngồi dậy được. Mới có vài ngày kể từ lần cuối gặp nhau, Kiyoshi đã thay đổi ghê gớm. Đôi mắt đỏ ngầu, hai má nhô ra, râu ria tua tủa. Trông cậu không ổn tí nào, thực sự rất ốm yếu.

“Anh có mang ít thức ăn như tôi dặn không?” Kiyoshi lên tiếng. Tôi đưa một chiếc bánh kẹp, cậu ấy mở giấy gói ra. “Ôi, chuyện ăn uống mới phiền toái làm sao! Nếu không cần phải ăn, chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian…” cậu làu bàu và chúi mặt ngấu nghiến cái bánh.

Tôi thở phào khi nhìn thấy cậu ấy ăn, nhưng vẫn chẳng hiểu gì cả. Rõ ràng cậu đang mệt lả, vẻ sắc sảo vẫn còn nhưng khá mong manh. Tôi cảm thấy lo ngại cho trạng thái tâm lý của Kiyoshi. Tôi không muốn nghĩ đến khả năng cậu ấy bị rối loạn thần kinh.

“Lần cuối anh ăn uống là khi nào thế?” Tôi hỏi cậu.

“Tôi không biết nữa… Có lẽ hôm qua, có lẽ hôm kia… Tôi quên mất rồi…”

Tôi nhắc Kiyoshi không nên ăn quá nhanh. Sau khi ăn uống xong xuôi, dường như một chút năng lượng đã quay trở về với cậu ấy.

“Anh có thu thập thêm được mạnh mối gì không?” Tôi hỏi nhẹ nhàng.

“Vắt kiệt quả cam anh sẽ được bã!” Kiyoshi giận dữ thốt lên, đứng bật dậy và khoa tay. “Kazumi, chúng ta sinh ra để bị lừa gạt! Nhìn tôi xem. Sau khi chạy long nhong ở vùng này mấy ngày trời không ngủ, tôi không khác gì một con châu chấu sắp chết. Nhịn ăn một hai ngày là điều rất tốt; nó làm cho các giác quan của chúng ta thêm sắc bén. Ôi, giờ tôi có thể thấy điều đó. Cả một cánh đồng cải hoa mênh mông đang nở bung! Thành phố này được hình thành từ lịch sử và bí ẩn! Tôi thấy hằng hà sa số nóc nhà trông như những cuốn sách đang mở. Và tôi nghe thấy tiếng xe hơi ở khắp mọi nơi! Chúng không hề mệt mỏi ư?... Không, có khi không phải là hoa cải dầu, đó là cúc vạn thọ. Tôi có thể dùng liềm cắt. Bây giờ thì tôi thậm chí còn không nhớ nổi làm thế nào mình cắt được chúng… À, mà tôi để cái liềm ở đâu nhỉ? Chắc nó hoen gỉ rồi! Tôi phải tìm nó đã. Tôi phải tiếp tục đào như con chuột chũi! Thời gian thì trôi đi vùn vụt. Ngay lúc này hoặc là không bao giờ nữa!”
 
Chương 35


Chẳng thần kinh thì gì đây: Kiyoshi đã hóa điên. Tôi cảm thấy toàn bộ cơ thể mình tê dại. “Không, không, không, Kiyoshi. Anh kiệt sức rồi. Bình tĩnh đi, bình tĩnh lại nào!” Tôi cứ lặp đi lặp lại mấy từ đó. Tôi nắm lấy vai và từ từ đẩy cậu ấy ngồi xuống ghế đá.

Cuối cùng Kiyoshi cũng bình tĩnh trở lại và tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi thấy sốc trước tình cảnh trớ trêu cay đắng này: sự kiệt sức và áp lực đã khiến Kiyoshi phát điên, nhưng nó lại chẳng giúp ích gì cho việc điều tra của chúng tôi. Tôi nhận ra mình không nên để Kiyoshi tham gia vào vụ này; tôi biết sức khỏe tinh thần của cậu không được tốt. Nhưng cậu là người đưa ra lời thách thức với lão Takegoshi Con. Giờ kết quả rất rõ ràng: Kiyoshi sẽ phải chịu thất bại. Thật là vô vọng. Lão Takegoshi Con chẳng cần phải làm gì ngoài việc chờ đợi chúng tôi tới cúi đầu xin lỗi như những thằng ngốc đáng ghét. Bí ẩn này đã không thể giải quyết được suốt bốn mươi năm rồi; chúng tôi quả là điên rồ mới nghĩ rằng mình có thể khám phá trong vòng một tuần. Tôi vẫn hy vọng rằng Shusai Yoshida chính là Heikichi Umezawa cải trang. Chỉ là một chút hy vọng mong manh, nhưng vì một lý do nào đó, tôi cảm thấy rất tự tin. Tuy nhiên, với tình hình này, Kiyoshi không thể nói chuyện một cách tỉnh táo được. Tôi phải tự hành động ngay lập tức cho dù phải bỏ lại Kiyoshi tội nghiệp trong tình trạng gần như hóa điên này. Chỉ còn vài tiếng nữa thôi. Tôi cần bắt Yoshida, vì cả hai chúng tôi.

Lúc này đã là hơn 10 giờ sáng. Tôi định gọi Emoto tới giúp thì Kiyoshi lại lên tiếng.

“Tôi không nên báng bổ Sherlock Holmes. Anh nói đúng, Kazumi, lẽ ra tôi nên biết vị thế của mình. Tôi nghĩ mọi việc với tôi rất dễ dàng, và trên thực tế tôi đã gần như tới đích. Trời ơi, tất cả rất dễ dàng - như bàn cờ đô-mi-nô. Tôi chỉ cần biết chạm vào vị trí nào để tất cả đổ rạp xuống. Chỉ cần một quân thôi - đó là tất cả những gì tôi cần - và khi đó mọi quân khác sẽ đổ xuống đúng vị trí! Chó chết thật! Tôi đã dồn hết mọi nỗ lực của mình vào vụ này và giờ tôi thua cuộc. Tôi cần cảm hứng. Tôi cần cái gì đó, một chút gì đó truyền cảm hứng cho tôi.” Cậu ấy ôm đầu “Ôi! Chuyện này thật kinh khủng. Anh bảo tôi sẽ phải trả giá cho sự kiêu ngạo của mình và giờ tôi có thể cảm nhận được đôi môi mình sưng lên. Tôi cử động môi rất khó khăn. Làm sao tôi có thể nói được với tình trạng như thế này? Tôi đã để lỡ đà của mình: thật vô vọng. Ít nhất anh còn có vẻ làm được mọi việc rất ổn. Kể tôi nghe những gì anh đã khám phá được đi nào.”

Thái độ tán dương một cách tỉnh táo và sự nhún nhường hiếm thấy này thật đáng mừng, nhưng trạng thái ổn định và mình mẫn của cậu ấy lại là chuyện khác. Anh chàng này - người bạn thân nhất của tôi - đang bị suy sụp về tinh thần. Và giờ cậu ấy sẽ phải nhận thua trước mặt một gã thám tử cảnh sát ngạo mạn. Tôi không tài nào chịu được ý nghĩ đó. Thậm chí phải làm việc một mình tôi càng quyết tâm gắng sức vượt qua thử thách này.

“Nào, kể tôi nghe những gì anh đã tìm được,” Kiyoshi lại giục.

Vậy là, với thái độ rất cân nhắc, tôi giải thích cho Kiyoshi nghe toàn bộ những việc tôi đã làm: trở lại gặp con gái ông Yasukawa; cuộc gặp với Shusai Yoshida; chuyến đi tới Meiji-Mura để gặp ma-nơ-canh mà Yasukawa đã nhắc đến và cuộc trò chuyện với Hachiro Umeda, người mà Yasukawa nghĩ là Heikichi.

Trong khi tôi nói, Kiyoshi nằm dài trên ghế, hai tay ôm đầu, nhìn lên trời với đôi mắt vô hồn, chẳng tỏ vẻ quan tâm dù là nhỏ nhất. Hoặc là thật sự cậu ấy đã hóa điên, hoặc là cậu ấy đã từ bỏ cuộc đấu. Tôi cảm thấy thất vọng tràn trề.

Đột nhiên, cậu ngồi thẳng dậy. “Đã đến lúc viếng thăm Nyakuoji rồi…” Kiyoshi nói bằng giọng ngái ngủ.

“Nyakuoji ư? Là ai vậy? Một đền thờ à?”

“Đó là một đền thờ… không, tôi không muốn nói vậy! Ý tôi là, tòa nhà ở đằng kia…”

Cậu ấy chỉ lên đỉnh một tháp đồng hồ nhỏ theo kiểu phương Tây.

“Ấy là nơi tôi muốn đến! Hãy quên chuyện đền thờ đi!”

“Tòa tháp đó là gì thế?”

“Một quán cà phê. Anh nghĩ là gì nào? Tôi cần đồ uống nóng.” Kiyoshi đã trở lại với cuộc sống rồi.

Quán cà phê nằm ở sân nhà của một diễn viên nổi tiếng. Có một cái giếng kiểu Tây Ban Nha và vài bức tượng. Bất chấp tình trạng của Kiyoshi và thực tế rằng thời gian sắp hết, việc được ngồi bên một chiếc bàn trong ánh nắng ban mai thật là khoan khoái. Chúng tôi là những khách hàng duy nhất ở đó và không gian yên tĩnh làm cho chúng tôi thêm tỉnh táo.

“Một chỗ tuyệt vời,” tôi nói với Kiyoshi.

Cậu ấy gật đầu. “Ừ…”

“Tôi nghĩ tôi sẽ đi gặp Yoshida bây giờ. Anh có muốn đi với tôi không?”

“À, có, tôi rất vui…”

“Nào, vậy thì đi!” Tôi khích lệ. “Chúng ta sắp hết thời hạn rồi…”

Tôi đứng dậy, cầm phiếu thanh toán trên bàn. Trong túi tôi chỉ còn mỗi một tờ 10.000 yên, và còn rất sớm nên nhân viên thu ngân phải mất một lúc mới có đủ tiền lẻ trả lại. Kiyoshi vẫn đợi tôi bên ngoài. Khi chúng tôi quay xuống Đại lộ Triết gia, tôi sắp xếp lại chín tờ tiền 1.000 yên để tất cả quay về một hướng - đó là một thói quen của tôi. Một tờ tiền bị rách và được dán lại. Để gợi chuyện, tôi chìa tờ tiền chắp vá cho Kiyoshi xem.

“Băng dính à? Mà lại không phải băng dính mờ đúng không?” Cậu nói và cầm lấy tờ tiền, săm soi nó. “Không, họ dùng băng dính trong. Đúng như vậy.”

“Băng dính mờ thì có gì không ổn à?”

“Người ta dùng thứ đó với các tờ tiền giả, thường là với các tờ 10.000 yên chứ không phải những tờ tiền mệnh giá thấp thế này.”

“Tại sao họ lại dùng băng dính mờ?”

“Bởi vì… Ồ, quá khó để giải thích. Tôi cần một cây bút và một mẫu giấy để cho anh thấy. Mà này, giả mạo chưa phải là từ chính xác. Đúng hơn… có lẽ… lừa đảo… có lẽ…” Giọng cậu nhỏ dần. Thỉnh thoảng vẫn như vậy. Thông thường, điều đó là dấu hiệu của tâm trạng chán nản. Thật đáng buồn!

Tôi quay lại đối diện với Kiyoshi lúc này vừa tới một chỗ nghỉ. Tôi rất ngạc nhiên. Đôi mắt đỏ ngầu của cậu mở to một cách bất thường và miệng há hốc. Cậu siết chặt nắm tay và bắt đầu hét: “AAAAAAAAAA!”

Vài ba khách du lịch dừng lại trên đường. Chú chó mực nhìn cậu ấy chòng chọc.

Tôi vẫn thường phàn nàn về hành xử kỳ quặc của Kiyoshi, nhưng chưa bao giờ tôi nghi ngờ tài năng, trí thông minh, kiến thức và sức mạnh trực giác của cậu ấy. Đó là những ưu điểm. Nhưng giờ chúng trở nên nhạt nhòa so với thảm họa này.

Tất cả đã chấm hết!

Rõ ràng Kiyoshi đã bước vào ngưỡng cửa điên khùng.

“Bình tĩnh nào!” Tôi nói, nắm lấy vai và cố gắng lay Kiyoshi.

Gương mặt mệt mỏi của cậu ấy ngay sát mặt tôi. Nhưng kẻ đờ người ra không phải là cậu ấy mà chính là tôi. Kiyoshi trông như một con sư tử - đói và yếu, nhưng vẫn tràn đầy giá trị đích thực. Đột nhiên, cậu ngừng hét, giật khỏi tay tôi và bắt đầu chạy.

Giờ cậu ấy làm gì không biét? Ảo giác chăng?

Kiyoshi nhắm thẳng tới chỗ con kênh.

Cậu ấy định nhảy xuống sao? Cứu một đứa trẻ đang chết đuối chăng?

Tôi chạy theo sau nhưng Kiyoshi nhanh quá. Chạy khoảng 100 mét, Kiyoshi dừng bước, quay nhìn xung quanh và chạy trở về chỗ tôi. Vài du khách phải nhảy bật ra. Cách đó một quãng, chú chó mực vẫn nhìn người bạn cuồng điên của tôi.

Kiyoshi ngồi thụp xuống, hai tay ôm đầu, thở phì phò. Sau đó cậu ngước nhìn tôi và mỉm cười, “Ồ, Kazumi! Anh vừa ở đâu thế?”

“Được rồi, anh chạy nhanh thật đấy,” tôi lầm bầm.

“Tôi ngu ngốc quá!” Kiyoshi kêu lên, nhưng lần này không thật lớn. “Tôi đang làm gì không biết? Tôi cứ đi tìm cặp kính vẫn nằm nguyên trên đầu tôi! Mẹ kiếp! Lẽ ra tôi nên cố gắng hết sức với vụ này ngay từ đầu! Ơn Trời, tôi không làm khổ ai với cái sự cẩu thả của mình. Chúng ta rất may mắn!”

“Chà, anh rất may! Nếu tôi không ở đây, những người kia sẽ gọi xe cứu thương đến đấy.”

“Chỉ là một cái đinh ghim nhỏ xíu, Kazumi ạ! Tôi đã tìm ra nó! Tôi nhổ cái đinh ghim và, RẦM, mọi thứ rơi xuống đúng chỗ! Quả là một phù thủy đại tài! Một mẹo rất đơn giản! Thực chất là nó quá ư đơn giản, chúng ta chẳng hề nghĩ đến… đơn giản một cách nực cười. Tôi đang làm gì không biết? Tôi không khác gì một con chuột chũi đào củ cải từ bên này đến tận bên kia trái đất… Anh nói gì đi Kazumi! Cười nhạo tôi đi. Xin tất cả hãy cười nhạo tôi đi! Tôi muốn cả thế giới cười nhạo tôi. Tôi quá ngu ngốc. Sao tôi lại mù quáng đến thế chứ? Đứa trẻ nào cũng nhận ra điều này. Giờ tôi phải rất khẩn trương. Mấy giờ rồi nhỉ?”

“Sao cơ?”

“Tôi hỏi anh mấy giờ rồi. Anh không đeo đồng hồ à?”

“Mười một giờ rồi…”

“Trời ơi! Chuyến tàu cao tốc cuối cùng về Tokyo là mấy giờ?”

“Ờ… 8 giờ 29 phút tối nay, tôi nghĩ…”

“Đúng, tôi sẽ bắt chuyến tàu đó. Anh có thể chờ tôi ở căn hộ của Emoto được không? Tôi sẽ gọi cho anh sau. Hơi lâu đấy!” Cậu ấy bắt đầu quay đi.

“Đợi đã, đợi đã nào! Anh đi đâu đấy?”

“Dĩ nhiên là đi gặp hung thủ rồi!”

Tôi sững sờ. “Anh điên à? Anh thậm chí còn không biết kẻ đó ở đâu, nhưng anh vẫn cứ lao đầu vào sao?”

“Sẽ mất một thời gian, nhưng đừng lo. Đến tối là mọi việc xong xuôi.”

Tôi đã phải chạy đuổi theo Kiyoshi suốt cả buổi sáng và cảm thấy như sắp xỉu đến nơi. “Anh không biết mình đang làm gì mà, Kiyoshi,” tôi nói. “Chúng ta không hề nói về việc đi tới một văn phòng tìm kiếm người mất tích. Thế chúng ta làm gì với Yoshida? Chúng ta sẽ không đi gặp ông ta nữa à?”

“Yoshida nào? Ông ta là ai? Ồ, phải, anh đã kể về ông ta. Không, không, chẳng có gì cần phải gặp ông ấy cả.”

“Nhưng sao lại không chứ?” Tôi lên giọng.

“Bởi vì ông Yoshida không phải là hung thủ.”

“Sao anh biết?”

“Anh không hiểu ư? Bởi vì giờ tôi đã biết kẻ nào ra tay rồi!”

“Đợi đã! Anh đang giỡn phải không?”

Kiyoshi ngoặt một góc và biến mất.

Tôi đứng đó, bất lực, kiệt sức.

Mình đã làm gì để bạn mình ra nông nổi này chứ? Nếu đây là nghiệp chướng thì ắt hẳn mình đã làm việc gì đó rất xấu xa ở kiếp trước.

Giờ thì tôi lại đơn độc và tôi phải quyết định. Tôi có nên tới gặp Yoshida không? Kiyoshi đã nói hãy quên ông ta đi, nhưng liệu cậy ấy có thực sự biết được nhiều hơn tôi không?

Đơn giản một cách nực cười ư? Một vụ án đơn giản đến nực cười ư? Có gì đơn giản một cách nực cười trong vụ án này chứ? Chưa hề có vụ án nào phức tạp đến bực mình như vậy! Thậm chí một đứa trẻ cũng nhìn thấy ư? Thậm chí một đứa trẻ cũng có thể thấy cậu ấy bị điên thì có…

Cứ cho là Kiyoshi đột nhiên nhìn thấy ánh sáng thì liệu cậu ấy có thể tìm ra hung thủ vào tối nay không?

Thiên hạ đã tìm cách giải quyết vụ này suốt bốn mươi năm - bốn mươi năm trời! - và Kiyoshi vừa bỏ đi để tìm hung thủ cứ như đang tìm một cái ô bỏ quên tại một trạm điện thoại cách đây năm phút đi bộ ư? Không, mình không nghĩ vậy. Mình không sai, mình sẽ tự thân đào xới khắp Kyoto…

Kiyoshi không thể có nhiều thông tin hơn tôi. Cậu ấy vẫn nằm dài trên ghế và nhịn đói, không gặp Yoshida cũng chẳng gặp Umeda. Và giờ lại bảo đã biết kẻ đó là ai.

Làm sao cậu ấy dám nói thế chứ!

Cậu ấy muốn tôi ngồi ở nhà Emoto đợi điện thoại muốn tôi đừng làm gì cả và cứ tin rằng cậu ấy biết mình đang làm gì.

Chỉ vài phút trước cậu ấy không hề biết mình định làm gì. Nhưng nếu cậu ấy cần giúp đỡ thì sao? Tôi phải làm gì đây? Thế còn trực giác của tôi thì sao?

Cuối cùng trực giác của tôi cũng gạt được mọi nghi ngờ sang một bên và cố gắng hình dung ra cách Kiyoshi giải quyết bí ẩn này. Điều gì đã bất ngờ khiến cậu nhận ra tất cả? Điều đó xảy ra khi cậu ấy nhìn thấy tờ tiền 1.000 yên bị dán băng dính của tôi. Tôi rút ví ra và nhìn lại tờ tiền. Chẳng có gì khác lạ cả: chỉ là một đoạn băng dính trên vị trí bị rách. Kiyoshi có thể phát hiện ra cái gì từ thứ đó chứ? Băng dính nằm ở cả hai mặt tờ tiền; Kiyoshi chỉ nhìn mặt trước mà thôi.

Trên mặt trước có gì nhỉ? Có gì được viết lên chăng?... Không. Mọi thứ đều rất bình thường. Vẫn là gương mặt của chính trị gia huyền thoại Ito Hirobumi. Hay có gì đó liên quan đến tên ông ấy? Không thể được. Hay có gì đó liên quan đến một tờ tiền 1.000 yên? Rất có thể. Điểm mấu chốt: Mình không có manh mối. Thử lại lần nữa: Một tờ 1.000 yên đồng nghĩa với tiền, các vấn đề tài chính. Một cuộc đấu vì tiền bạc - được đấy - nhưng chẳng có gì mới cả. Có lẽ đó là - cậu ấy gọi là gì nhỉ? - giả mạo! Cái gì đó giả mạo, cái gì đó không thật. Đúng! Có lẽ hung thủ là kẻ giả mạo. Có lẽ tất cả chỉ là một cái bẫy, để hướng sự chú ý khỏi một tội ác nào khác chăng? Không, như thế cũng không đúng. Nhưng còn tội ác nào nữa không nhỉ? Cậu ấy nói rằng tờ tiền có thể bị làm giả nếu sử dụng băng dính mờ, nhưng bình thường là với tờ 10.000 yên, chứ không phải là tờ 1.000 yên. Giá trị càng cao thì càng tốt ư? Như thế có nghĩa là những tờ 100.000 yên, nếu có tồn tại, sẽ tốt hôn các tờ 10.000 yên. Nhưng thế còn băng dính mờ nghĩa là sao?Những kẻ giả mạo in ra tiền giả. Chúng không dán băng dính lên các tờ tiền thật hiện có… Ặc, mình chẳng hiểu gì cả!

Tôi không cố nghĩ về Kiyoshi nữa. Tôi sẽ đợi ở nhà Emoto như cậu đề nghị. Kiệt sức cũng là một lý do. Không biết làm gì khác là lý do thứ hai. Tôi chỉ không muốn cái lằn ranh mỏng manh giữa một kẻ thần kinh và một thiên tài bị xóa nhòa…
 
Chương 36: Giải lao: Thông diệp từ tác giả


Độc giả thân mến!

Thật không bình thường khi tác giả xen vào giữa chừng thế này, nhưng đến đây tôi thấy có điều cần phải nói.

Tất cả thông tin cần thiết để giải quyết bí ẩn giờ đã nằm trong tay các bạn, và trên thực tế, gợi ý quan trọng cũng đã được cung cấp. Tôi thắc mắc không biết các bạn có nhận thấy nó không? Nỗi sợ lớn nhất của tôi là có thể tôi đã tiết lộ với các bạn quá nhiều manh mối! Nhưng vì không khí của trò chơi, và cũng muốn hỗ trợ phần nào cho các bạn, nên tôi mạnh dạn làm như vậy.

Để tôi thách đấu nhé: Tôi thách các bạn giải quyết được bí ẩn trước khi đến các chương cuối cùng!

Chúc các bạn may mắn.

Lời của Muathienkieu

Bạn đọc thân mến,

Mưa đang rất là tò mò đoán xem không biết có bạn nào từng đọc vụ con rắn uống sữa của Sherlock chưa? Và đã có bạn nào đã đoán ra bí ẩn phía sau vụ án của Tokyo Hoàng Đạo Án chưa?

Nếu chưa thì cùng mình theo dõi diễn biến phía sau nhé.

Còn bạn nào tò mò về vụ án của Sherlock thì hãy tìm đọc phần 13 - tập 1: Dải băng lốm đốm để biết thêm chi tiết nhé.

Mình xin trích một đoạn chính trong tập để bạn hiểu hơn:

"Toà nhà được xây bằng đá xám; phần giữa cao, còn hai chái xây cong. Mấy khung cửa sổ ở một bên chái đã vỡ, nên phải bít lại bằng những thành gỗ. Ngói trên mát sút lở nhiều chỗ. Một cảnh tường đổ nát phơi bày trước mắt chúng tôi. Phần giữa nhà khá hơn ít nhiều ; nhưng hiện đại hơn cả vẫn là khối bên phải. Những tấm rèm trên mấy khung cửa sổ và làn khói bay lên từ mấy cái lò sưởi cho thấy cả gia đình hiện sống tại phần này. Holmes đi đi lại trên bãi cỏ, chăm chú ngắm nhìn phía ngoài mấy khung cửa sổ.

- Tôi đoán cửa sổ này là cửa phòng ngủ trước đây cô sử dụng; cái chính giữa là phòng của chị cô, còn cái kế cận với toà nhà chính là phòng của bác sĩ Roylott, đúng không, thưa cô?

- Vâng, đúng rồi. Nhưng tôi hiện phải ngủ tại căn giữa.

- Chỉ tạm thời trong lúc sửa chữa thôi, nếu tôi không lầm. à luôn tiện cũng xin hỏi: hình như chẳng việc gì phải sửa chữa gấp như vậy thì phải. Vì tôi thấy bức tường ở đầu nhà còn chắc lắm mà.

- Đúng vậy. Tôi tin chắc đó chỉ là cái cớ để bắt tôi phải chuyển phòng thôi.

- à! Có thể đúng thế thật. Nay, mặt trong cái chái hẹp này có một dãy hành lang mà cả ba phòng ngủ đều ăn thông ra, phải không? Bên phía đó chắc cũng phải có cửa sổ chứ?

Vâng, nhưng nhỏ lắm. Nhỏ đến nỗi không một ai có thể chui qua được.

- Vậy là từ mặt đó, không một ai có thể lọt vào phòng hai chị em cô, nếu đêm nào các cô cũng khoá chặt cửa. Bây giờ, cô làm ơn vào phòng cô và đóng chặt mấy cánh cửa chắn lại nhé.

Cô Stoner làm theo lời Holmes, và anh cố tìm mọi cách thử mở cánh cửa chắn, nhưng vô hiệu.

Hừm! - anh nói - Giả thuyết đầu của tôi như vậy là đã bị loại bỏ. Không một ai có thể chiu qua ngả này, nếu cửa chắn đã bị cài chặt. Được rồi, bây giờ thì ta thử vào phía trong, xem có phát hiện được gì mới không.

Một cánh cửa nhỏ bên hông dẫn vào hành lang mà cửa của ba phòng ngủ đều ăn thông ra. chúng tôi vào căn phòng thứ nhì, hiện là phòng ngủ của cô Stoner và cũng là nơi chị cô đã gặp tai hoạ. Đó là một căn phòng nhỏ, đủ tiện nghi, trần thấp và có một lò sưởi lớn. Một cái tủ gỗ nâu đựng quần áo, có ngăn kéo, kê ở một góc phòng; còn góc kia là một cái gường trắng hẹp và một cái bàn con đặt bên trái cửa sổ. Hết thảy những thứ vừa kể cùng hai chiếc ghế dựa là toàn bộ đồ đạc trong phòng, nếu không kể tới tấm thảm trải giữa sàn. Holmes đặt vào góc phòng một chiếc ghế, ngồi xuống im lặng nhìn quanh toàn bộ căn phòng, không bỏ sót một chi tiết nào.

Sợi dây kéo chuông này ăn thông vào đâu?- mãi sau, anh mới lên tiếng, tay chỉ vào một sợi dây giật chuông cỡ lớn buông thõng xuống sát đầu giường.

- Nối với phòng người quản gia.

- Trông có vẻ mới hơn mọi thứ vật dụng trong phòng.

- Vâng. Vì mới được lắp cách đây vài năm.

- Chắc chị cô đòi mắc?

- Không tôi chẳng bao giờ thấy chị tôi giật chuông cả. chúng tôi toàn tự tay làm lấy mọi việc, vì nhà không nuôi người hầu.

- Xin lỗi cô mấy phút nhé, tôi muốn xem kỹ thêm sàn căn phòng một chút.

Anh bò tới bò lui, xem xét cẩn thận từng đường rãnh những tấm ván lát sàn. Cuối cùng, anh đến cạnh giừơng ngủ, nhìn chằm hằm một lúc, rồi lại đưa mắt nhìn bức tường từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên. Đoạn, anh cầm lấy dây chuông giật mạnh một cái.

- Sao không nghe chuông reo gì cả? Thậm chí nó cũng chẳng được nối vào sợi dây thép kéo chuông. Lạ thật! Cô nhìn kìa, sợi dây thậm chí chỉ buộc vào một cái móc sắt nằm ngay phía trên cửa thông gió.

- Thật vô lý quá! Vậy mà lâu nay tôi chẳng để ý.

- Rất kỳ lạ! Holmes vừa lẩm bẩm, vừa giật sợi dây. Căn phòng này có một vài điểm rất kỳ quặc. Chẳng hạn, gã thợ xây hẳn phải điên rồi lắm mới trổ cửa thông hơi sang phòng bên cạnh; lẽ ra hắn có thể trổ ra ngoài; cũng chỉ mất chừng ấy công thôi.

- Cái này cũng mới làm gần đây - cô tiểu thư nói

- Chắc làm cùng lúc với sợi dây kéo chuông - Holmes nhận xét.

- Vâng dạo đó có một số thay đổi nhỏ trong nhà.

- Cô Stoner, cô vui lòng cho chúng tôi sang phòng ông bác sĩ xem qua một chút.

Phòng bác sĩ Roylott rộng hơn phòng hai cô con riêng của bà vợ trước, nhưng đồ đạc bài trí rất đơn sơ. Chỉ có một cái giừơng, một giá sách nhỏ bằng gỗ, một cái ghế bành kê cạnh giường, một giá sách nhỏ bằng gỗ, một cái ghế bành kê cạnh giường, một cái ghế xếp đặt sát tường, một cái bàn tròn và một tủ sắt lớn. Holmes thong thả đi quanh phòng, xem hết sức kỹ lưỡng từng món đồ đá.

- Tủ này đựng gì? Holmes vừa hỏi gõ vào chiếc tủ sắt.

- Giấy tờ làm ăn của bố dượng tôi.

- ồ, thế ra cô đã có dịp nhìn vào bên trong?

- Chỉ một lần duy nhất, cách đây vài năm. Tôi nhớ là trong tủ đầy ắp giấy tờ.

- Ông ta có nuôi gì trong đó không? Như mèo chẳng hạn.

- Không, ông hỏi gì lạ thế!

- Thề thì cô nhìn đây! - Anh cầm lên một cái đĩa lót tách nhỏ, đựng sữa, đặt trên nóc tủ.

- Không, chúng tôi không nuôi mèo. Nhưng có một con báo bờm và một con khỉ đầu chó.

à, vâng. Dĩ nhiên! Báo bờm chẳng qua chỉ là một con mèo lớn xác thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng đĩa sữa nhỏ này e khó lòng chu cấp đủ cho con vật đó. Còn một điểm nữa tôi muốn làm sáng tỏ - Anh lấy kính lúp ra soi lên mặt chiếc ghế gỗ, xem xét mặt ghế hết sức kỹ lưỡng.

- Cảm ơn cô. Thế là rõ rồi, anh vừa nói vừa đứng dậy, cất chiếc kính lúp vào túi. Chà! Món này lý thú đây!

Vật khiến anh chú ý là chiếc roi nhỏ, treo trên góc giường. Tuy nhiên, chiếc roi ấy bị uốn cong ở đầu mút, rồi thắt lại thành một vòng tròn.

- Watson, anh nghĩ gì về món này?

- Đó chí là một cái roi cũng bình thường thôi. Có điều tôi không hiểu tại sao lại thắt vòng ở đầu mút.

- Chẳng bình thường lắm đâu, anh không thấy sao? Tôi nghĩ tôi xem xét xong rồi đấy, cô Stoner ạ. Điều hết sức hệ trọng là từ bây giờ, cô nhất nhất phải làm đúng những điều tôi khuyên. Vụ này nghiêm trọng lắm, ta không được chần chừ một phút nào nữa. Tính mạng của cô tuỳ thuộc cô đấy.

- Tôi xin phó thác hết cho ông.

- Trước hết, đêm nay cả hai chúng tôi phải ở lại trong phòng cô.Cả tôi lẫn cô Stoner đều kinh ngạc trố mắt nhìn anh.

- Vâng, phải như thế mới được. Để tôi cắt nghĩa. Chắc ở đằng kia là cái quán trọ của vùng này?

- Vâng, đó là quán trọ Crown Inn.

- Rất tốt. Từ đó nhìn sang có thể thấy được cửa sổ căn phòng cô không?

- Thấy được chứ.

- Khi nào bố dượng cô về, cô không được ra khỏi phòng, lấy cớ là cô bị nhức đầu. Bao giờ nghe thấy lão sửa soạn đi ngủ, thì cô hãy mở ngay cửa sổ, đặt lên bậu một ngọn đèn để báo hiệu cho chúng tôi . Xong xuôi, cô mang hết những gì mình cần sang bên phòng cũ của cô. Tôi tin chắc rằng, tuy đang sửa chữa, cô vẫn có thể nghỉ tạm một đêm bên đó.

- Vâng, chuyện đó chẳng có gì khó.

- Phần còn lại cô cứ để mặc chúng tôi lo liệu.

- Nhưng các ông sẽ làm gì

- chúng tôi sẽ ngồi bên căn phòng mới của cô để tìm cho ra nguyên nhân của những tiếng động đã quấy rầy cô.

- Ông Holmes, tôi tin rằng ông đã đi đến được một kết luận - cô Stoner vừa nói vừa đặt tay lên ống tay áo của bạn tôi.

- Có lẽ cô đúng.

- Vậy xin ông cho tôi biết tại sao chị tôi chết.

- Trước lúc cho cô biết, tôi muốn có những bằng chứng hiển nhiên hơn.

- ít nhất ông cũng có thể cho tôi biết là tôi đoán định như vậy có đúng không: chị tôi chết vì nỗi hoảng sợ quá đột ngột?

- ồ không, tôi không cho là vậy. Tôi nghĩ là có một nguyên nhân cụ thể hơn nhiều . Còn bây giờ, chúng ta phải tạm biệt nhau, vì nếu bác sĩ Roylott quay về mà bắt gặp chúng tôi ở đây, thì chuyển đi này coi như uổng công. Tạm biệt cô, cô hãy can đảm lên nhé! Nếu cô làm đúng những gì tôi dặn, cô có thể tin rằng chúng tôi sẽ sớm loại bỏ những hiểm hoạ đang rình rạp cô.

Sherlok Holmes và tôi thuê một phòng ngủ và một phòng khách tại quán trọ Crown Inn. Cả hai đều nằm ở tầng trên cùng, nên chúng tôi có thể nhìn rõ dãy nhà đang được sử dụng trong trang trại Stoke Moran. Vào lúc nhá nhem tối, chúng tôi thấy chiếc xe ngựa chở bác sĩ Grimesby Roylott chạy ngang qua cửa sổ phòng trọ. Vóc người lão trông càng cao lớn bên cạnh cậu xà ích bé nhỏ. Đến cổng, cậu đánh xe loay hoay một lúc mới mở được hai cánh cổng sắt nạng, và chúng tôi nghe được cái giọng khàn của bác sĩ Roylott gầm lên, trong khi lão giận dữ khua hai nắm đấm trước mũi cậu xà ích. Cỗ xe chạy qua cổng và chỉ một lát sau, chúng tôi đã thấy giữa lùm cây loé lên một ánh đèn mới thắp trong một phòng khách tại nhà lão.

- Watson ạ, quả tình tôi chưa dám chắc đêm nay có nên đưa anh đi cùng hay không - Holmes nói khi chúng tôi đang ngồi bên nhau trong bóng tối - Tình hình chắc sẽ nguy hiểm lắm!

- Tôi có thể giúp ích cho anh chút nào không?

- Có anh đi cùng là rất quí.

- Vậy thì tôi nhất định sẽ đi cùng anh.

- Cám ơn, anh tốt quá.

- Anh có nói đến nguy hiểm. Chắc chắn là anh đã phát hiện được nhiều điều trong những căn phòng đó hơn tôi.

- Không, tôi nghĩ rằng tôi chỉ rút ra được nhiều kết luận hơn anh thôi. Tôi cho rằng anh cũng đã trông thấy những gì tôi trông thấy.

- Tôi chẳng phát hiện được gì đáng chú ý, ngoại trừ sợi dây giật chuông. Tôi không hình dung nổi sợi dây đó được dùng làm gì.

- Anh cũng nhìn thấy cả cái lỗ thông gió chứ?

- Có. Nhưng tôi nghĩ rằng chẳng có gì kỳ lạ là có một lối hở nhỏ giữa hai phòng. Nó nhỏ tới mức một con chuột nhắt cũng khó chui quá.

- Tôi biết trước thế nào chúng ta cũng phát hiện được cái lỗ thông gió đó ngay từ khi chưa đến Stoke Moran.

- Thế thì hơi quá đây, anh Holmes thân mến ạ.

- ồ, đúng thế. Anh không nhớ là cô Stoner cho biết chị cô ấy có lần ngửi thấy mùi khói xì gà của lão bác sĩ Roylott hay sao? Điều đó cho thấy ngay rằng giữa hai căn phòng tất phải có một lối thông sang nhau. Có điều cái lối thông đó phải rất nhỏ, nếu không thì viên dự thẩm đã nhận thấy. Tôi rút ra kết luận: đó chỉ là một cái lỗ thông gió.

- Nhưng cãi lỗ đó thì phỏng có hại gì?

- ồ, ít ra cũng có sự trùngkhớp đáng lưu ý giữa các sự việc: người ta trổ một cái lỗ cửa thông gió ngay phía trên đầu giường, người ta treo một sợi dây giật chuông lên, thế là cô gái ngủ trên cái giường kia chết. Anh không thấy sự trùng khớp đó là kỳ lạ?

- Tôi vẫn chưa thấy những cái đó có gì dính dáng với nhau.

- Thế anh không thấy có gì kỳ lạ nơi chiếc giường ngủ kia sao?

- Không.

- Chân giường được gắn chặt vào sàn nhà. Đã bao giờ anh thấy một kiểu kê giường như thế chưa?

- Có lẽ chưa bao giờ.

- Cô gái không thể di chuyển được cái giường. Nó luôn được đặt cố định bên dưới lỗ thông gió và sợi dây thừng. Chúng ta có thể gọi đó chỉ là sợi thừng , vì người ta treo nó lên không phải để giật chuông.

- Anh Holmes- tôi reo lên - Bây giờ như tôi đã hiểu được lờ mờ những gì anh muốn nói. Vậy là chúng ta đã có mặt vừa kịp thời để chặn đứng một tội ác khủng khiếp.

- Phải, cũng khá khủng khiếp . Nhưng chúng ta sẽ còn phải nếm đủ mùi khủng khiếp chừng nào đêm nay còn chưa trôi qua. Cho nên, ta hãy bình tâm thưởng thức những tẩu thuốc này và nghĩ tới một cái gì đó vui hơn trong vài tiếng đồng hồ,

Khoảng chín giờ tối, ánh đèn giữa các lùm cây vụt tắt, cả trang trại bỗng chìm vào bóng tối. Hai tiếng đồng hồ nữa chậm chạp trôi qua, rồi thình lình một ánh đèn đơn độc đã loé sáng phía trước.

- Đó là ám hiệu của chúng ta -Holmes nói, rồi đứng bật dậy - ánh đèn phát ra từ cánh cửa sổ ở giữa.

Lát sau, chúng tôi đã xuống đường. Trời tối, gió lạnh quạt vào mặt. ánh đèn vàng ệch đằng trước soi đường cho chúng tôi trong đêm tối. Chúng tôi lách qua giữa những gốc cây, đến chỗ bãi cỏ, rồi băng qua nó. Khi chúng tôi sắp trèo qua cửa sổ, thì từ trong những bụi rậm gần đó bỗng lao tới một quái vật tựa như một đứa bé dị dạng. Nó gieo mình xuống đất, trụ lại trên bốn cẳng chân co quắp, rồi lao qua bãi cỏ, mất hút vàp bóng đêm.

- Trời ơi! - tôi rỉ tai Holmes - Anh có trông thấy gì không?

Trong khoảng một phút đồng hồ Holmes cũng hoảng sợ như tôi. Rồi anh cười khẽ và thì thầm vào tai tôi:

- Một cơ ngơi thật khả ái. Con khỉ đầu chó đó.

Tôi đã quên khuấy mất lũ ”gia súc“ kỳ quặc của lão bác sĩ hiểm độc. Thú thực, tôi cảm thấy nhẹ cả người, khi noi gương Holmes, cởi giày và trèo qua cửa sổ vào phòng. Bạn tôi khẽ đóng cánh cửa chắn lại, đặt ngọn đèn lên bàn, rồi đảo mắt nhìn quanh phòng. Mọi thứ vẫn y nguyên như hồi chiều. Rồi anh rón rén tiến lại gần tôi, rỉ tai tôi, giọng khẽ đến mức khó lòng nghe rõ được từng lời:

- Chỉ một tiếng động nhỏ nhất cũng có thể khiến những dự tính của chúng ta tiêu ma.

Tôi gật đầu để cho Holmes biết là tôi đã nghe thấy.

- Chúng ta phải tắt đèn ngay. Lão có thể phát hiện được ánh sáng qua lỗ cửa thông gió trên kia.

Tôi lại gật.

- Nhớ đừng ngủ gật nhé. Mạng sống của anh đang tuỳ thuộc vào đó. Chuẩn bị khẩu súng để khi cần, ta có thể ra tay. Tôi sẽ ngồi ở mép giừơng; còn anh, hãy ngồi tạm xuống chiếc ghế kia.

Tôi lấy khẩu súng ngắn ra, đặt lên góc bàn.

Holmes có mang theo một cây gậy dài, mảnh. Anh đặt nó lên mặt giừơng, sát bên tầm tay. Cạnh đó, anh đặt một bao diêm và một cây nến; xong xuôi, anh tắt đèn, và chúng tôi ngồi im trong bóng tối.

Chắc chẳng bao giờ tôi quên được cái đêm mất ngủ khủng khiếp đó! Tôi không thể nghe được một âm thanh nào, thậm chí cả tiếng thở. Tôi biết bạn tôi đang ngồi cách mình mấy bước, mắt mở trừng trừng và cũng đang trong trại thái thần kinh cẳng thẳng như tôi. Cánh cửa chắn ngăn hết mọi thứ ánh sáng, chúng tôi ngồi trong bóng tôi dày đặc. Bên ngoài chốc chốc lại vọng vào tiếng chim ăn đêm; và có một lần vang lên một tiếng hú dài tựa tiếng mèo kêu: hẳn là con báo bờm đã được thả. Từ xa vẳng lại tiếng chuông nhà thờ điểm giờ: cứ mười lăm phút lại buông một tiếng trầm trầm. Ôi, những khoảng thời gian mười lăm phút đó sao mà dài thế! Đồng hồ điểm mười hai giờ, một giờ, hai giờ, rồi ba giờ.. ., và chúng tôi vẫn im lặng ngồi đợi xem điều gì sẽ xảy ra.

Bỗng một ánh lửa loé lên từ bên kia lỗ cửa thông gió, rồi vụt biến mất ngay. Sau đó mùi dầu cháy và mùi sắt nung khé tlẹt bay sang. Ai đó ở phòng bên đã châm đèn. Tôi nghe một tiếng di động rất khẽ, rồi tất cả lại chìm vào im lặng, tuy mùi khét mỗi lúc một nồng nặc. Suốt nửa giờ tôi căng tai nghe ngóng. Rồi thình lình tôi nghe một tiếng động khác, rất khẽ, tựa như tiếng luồng hơi nước thoát ra từ một ấm đun nước. Đúng vào lúc tôi nghe thấy âm thanh đó, thì Holmes đứng bật dậy, đánh diêm và giận dữ vụt cây gậy tới tấp vào sợi dây giật chuông.

- Anh có thấy nó không, Watson? - anh rít lên - Anh có thấy nó không?

Nhưng tôi chẳng thấy gì cả. Vào lúc Holmes đánh diêm, tôi nghe thấy có tiếng huýt sáo khẽ, nhưng rõ.Tuy vậy, ánh lửa ở đầu que diêm đột ngột loé sáng đập vào cặp mắt mệt mỏi của tôi, khiến tôi không thể nói đích xác bạn tôi đang đạp tới tấp vào cái gì. Tuy vậy, tôi có thể thấy rõ mặt anh tái nhợt như một xác chết và đầy kinh hãi. Anh ngừng tay, ngước nhìn chằm chằm vào lỗ cửa thông gió, rồi giữa cảnh im ắng của đêm khuya bỗng vang lên một tiếng rú kinh hoàng mà tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Tiếng rú mỗi lúc một to hơn, một tiếng rú khàn khàn, chứa đầy đau đớn, sợ hãi và phẫn nộ. Tôi đứng nhìn trừng trừng vào Holmes, còn anh thì nhìn tôi, cho tới lúc những tiếng vọng cuối cùng của tiếng rú kia chìm vào cảnh im ắng của đêm khuya như ban nãy.

- Thế nghĩa là thế nào? - tôi thở dốc.

- Thế nghĩa là mọi chuyện đã kết thúc, - Holmes đáp - và xét cho cùng, kết thúc như thế là hay hơn cả. Anh cầm súng lên, chúng ta sẽ vào phòng bác sĩ Roylott.

Vẻ mặt trang nghiêm, anh châm đèn lên và bước ra hành lang. Tôi đi ngang anh sáng phòng bên. Anh gõ cửa hai lần, nhưng bên trong không có tiếng đáp. Anh vặn quả đấm, rồi đi vào phòng. Tôi vào theo, súng lăm lăm trong tay.

Một cảnh tường kỳ lạ đập vào mắt chúng tôi. Trên bàn đặt một ngọn đèn, hắt ánh sáng chói gắt lên chiếc tủ sát với cánh cửa đang hé mở. Ngồi trên chiếc ghế gỗ kê cạnh đó là bác sĩ Grimesby Roylott mình choàng chiếc áo chùng màu xám; và vắt ngang trên đùi lão là chiếc roi mà chúng tôi đã để ý tới hồi chiều. Cằm lão ta hếch lên, còn đôi mắt thì nhìn trừng trừng vào một góc trần nhà: một cái nhìn bất động trông rất khủng khiếp. Quanh đầu lão quấn một dải băng màu vàng kỳ dị, điểm những đốm màu nâu sẫm. Khi chúng tôi bước vào, lão vẫn ngồi im lặng và bất động.

Dải băng! Dải băng lốm đốm! Holmes khẽ thốt lên.

Tôi bước tới một bước. Ngay trong khoảnh khắc đó, dải băng bắt đầu chuyển động. Từ đám tóc của bác sĩ Roylott ngóc lên một cái đầu có cạnh và cái cổ ngẳng của một con rắn gớm ghiếc.

- Đó là giống rắn độc đầm lầy! - Holmes kêu lên - Độc hơn bất cứ giống nào ở ấn Độ. Lão ta chết mười giây sau khi bị rắn cắn. Anh hãy nhốt ngay con rắc độc kia vào tủ sắt đã, rồi đưa cô Stoner đến một nơi an toàn; xong đi báo cảnh sát địa phương.

Anh vừa nói, vừa rút vội cây roi trên đùi viên bác sĩ. Anh tròng đầu roi vào cổ rắn, thắt lại, rồi nhốt rắn vào tủ, đóng lại.

Đó là sự kiện đích thực về cái chết của bác sĩ Grimesby Roylott ở Stoke Moran. Trên đường về vào sáng hôm sau, Holmes nói thêm cho tôi rõ những việc còn lại mà tôi chưa biết về vụ này.

- Ban đầu, tôi đã kết luận hoàn toàn sai - anh nói. Điều đó cho thấy, Watson thân mến, sẽ nguy hiểm biết chừng nào khi lý giải mà chưa có đủ thông tin. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính việc cô gái tội nghiệp nọ đã dùng dải băng đễ diễn tả những gì cô trông thấy nhờ ánh sáng của que diêm và cả sự có mặt của đám Di gan trong trang trại - hai thứ đó đã gợi ra trong đầu tôi một ý nghĩ hoàn toàn sai lầm. Nhưng tôi đã gạt bỏ ngay giả thuyết đó khi hiểu rõ rằng không thể có một hiểm hoạ nào đe doạ cô ấy từ phía cửa sổ và cửa ra vào. ý nghĩ của tôi nhanh chóng đổ dồn vào cái lỗ thông gió và sợi dây giật chuông thõng xuống đầu giường, như tôi đã có lưu ý với anh.Tôi còn phát hiện thêm được rằng sợi dây nọ chỉ là đồ giả và chiếc giường ngủ bị gắn chặt vào gỗ lát sàn. những chi tiết đó khiến tôi nghĩ ngay; sợi dây kia chỉ là một thức cầu nối, giúp cho một vật đi từ lỗ thông gío xuống giường ngủ. Tôi đoán đó phải là một con rắn, vì biết lão bác sĩ có nhận một số giống vật từ ấn Độ gửi sang.Tôi cảm thấy hình như mình đã lần ra đầu mối. Rồi tôi nghĩ tới tiếng huýt sáo. Dĩ nhiên lão phải gọi con rắn kia về trước khi trời sáng, để khỏi bị nạn nhân phát hiện. Lão đã luyện cho nó chắc là bằng đĩa sữa mà chúng ta đã thấy, khi nghe tiếng huýt sáo mà lão gọi. Lão chỉ cho nó leo qua lỗ thông gió vào thời điểm thích hợp, và biết rằng nó sẽ theo sợi dây mà bò xuống đầu giừơng. Con rắn có thể cắn người ngủ trên giừơng, mà cũng có thể không. Đêm đêm, cô gái có thể thoát chết trong vòng một tuần nhưng sớm muộn gì rồi cũng bị nó cắn.

Tôi đã đi đến những kết luận đó trước khi đặt chân vào phòng lão. Khi quan sát mặt ghế, tôi thấy lão hay đứng lên đó. Lão nhất thiết phải làm vậy, vì không thể nào với tay tới lỗ cửa thông gió sát trên trần nhà. Cái tủ sắt, đĩa sữa và ngọn roi đã đủ để xua tan những ngờ vực còn lảng vảng trong trí tôi. Tiếng động mạnh do một vật bằng kim loại phát ra, mà cô Stoner nghe được, rõ ràng do ông bố dượng gây ra: lão cần đóng mạnh cánh cửa sắt để nhốt con vật nuôi đáng sợ đó. Sau khi đã đi đến những kết luận đó, tôi liền tiến hành việc chứng minh, nhưng anh đã thấy đó. Khi nghe được những tiếng động rất khẽ mà tôi nghĩ chính anh cũng nghe rõ, tôi lập tức thắp đèn lên và tấn công con vật“.

- kết quả là anh đã đuổi nó bò trở lại lỗ thông gió.

Và cũng chính bằng cách đó, tôi đã xua nó về lại với ông chủ đang ngồi ở phòng bên. Bị đánh tới tấp, con rắn trúng gậy mấy lần, nó nổi giận và tấn vào kẻ đầu tiên mà nó chạm trán trên đường về. Và chính vì vậy, không còn ngờ vực gì nữa, tôi gián tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của bác sĩ Grimesby Roylott. Nhưng chắc là việc đó chẳng đè nặng lên lương tâm tôi lắm đâu."
 
Chương 37: Cơn bão


Cảnh 1: Quán trà

Tôi quyết định không nghĩ về vụ án thêm nữa. Nếu không, tôi sẽ không thể ngồi yên đợi cuộc gọi của Kiyoshi và sẽ chạy bổ ra ngoài đi gặp Yoshida mất. Tôi cần ở đâu đó mà Kiyoshi có thể liên lạc được, nhưng giết thời gian bằng cách nào đây?

Trở lại nhà Emoto, tôi ăn bữa trưa chậm rãi hết mức, rồi đặt điện thoại gần bên mình và nằm xuống sàn. Tôi vẫn không thấy thoải mái khi phải chờ đợi, nhưng tôi quyết định tự làm cho mình phấn chấn lên. Chí ít người bạn tốt nhất của tôi đã thoát khỏi mộ địa, lấy lại được thái độ tích cực và năng nổ hoạt động.

Hai mươi phút sau, điện thoại đổ chuông. Còn quá sớm nên không thể là Kiyoshi gọi. “A lô, nhà Emoto nghe đây ạ,” tôi trả lời máy.

“Tôi không tin đâu! Nghe giống như tôi vừa gọi tới nhà Ishioka chứ!” Chính là giọng Kiyoshi.

“Là anh đấy à? Có chuyện gì thế? Anh đang ở đâu?”

“Tôi ở Arashiyama.”

“Tuyệt. Đó chính là nơi tôi ngắm hoa anh đào nở, thứ mà anh chẳng mảy may quan tâm. Công việc tiến triển thế nào rồi?”

“Thuận lợi hơn bao giờ hết!” Kiyoshi đáp, giọng rất sôi nổi. “Anh biết Togetsu-kyo, cái đầu gỗ dài chứ? Chà, có một trạm điện thoại ở gần đó hình dạng giống một miếu thờ?”

“Có, tôi có biết.”

“Chậc, tôi đang gọi cho anh từ đó đấy. Bên kia đường, có một quán trà mang tên Kotogiki Chaya. Món bánh gạo của quán ngon tuyệt, nhân đậu không quá ngọt. Đến đây nhập bọn với tụi tôi đi. Tôi muốn anh tới gặp một người.”

“Chắc chắn rồi. Nhưng ai thế?”

“Anh sẽ biết. Cứ đến đi!” Đúng là phong cách đặc trưng của Kiyoshi, phải thừa nhận là tôi thấy rất vui.

“Cuộc gặp xã giao à? Anh có đang lãng phí thời gian không đấy? Anh quên luôn hung thủ giết người rồi à?”

“Ồ, không hề. Anh sẽ thật sự muốn gặp người này. Và nếu không gặp, tôi bảo đảm anh sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi. Cho nên nhanh lên và đến đây ngay! Bà ấy rất nổi tiếng và bận rộn, sẽ không thể ở đây lâu đâu.”

“Bà ấy là một minh tinh màn bạc hay gì đó à?”

“Hừm, đúng đó, phải, một ngôi sao, một siêu minh tinh. Này, trời đang kéo mây đấy. Trông có vẻ như sắp mưa. Nhớ mang ô cho tôi và mượn một cái của Emoto cho anh. Nhanh lên! Gặp anh sau!”

Tôi lên đường ngay tức khắc, cầm theo hai chiếc ô.

Nhưng chuyện gì đang diễn ra chứ? Một minh tinh màn bạc ư? Ý tôi là gặp gỡ một minh tinh màn bạc có thể rất tuyệt, nhưng chuyện đó giúp gì được cho chúng tôi chứ?

Khi tôi xuống tàu ở Arashiyama, bầu trời xám xịt và gió bắt đầu nổi. Những tia chớp lóe lên từ phía xa khi tôi đến cây cầu. Một cơn bão xuân đang tiến đến rất nhanh chẳng kém gì nhịp tim tôi đang đập rộn.

Trong quán trà có mấy vị khách. Kiyoshi ngồi gần cửa sổ trên một chiếc ghế băng phủ vải đỏ, một đặc trưng phổ biến trong các quán trà truyền thống. Cùng ngồi với cậu ấy là một phụ nữ mặc kimono. Kiyoshi vẫy tôi lại và tôi ngồi xuống cạnh cậu. Từ chỗ này nhìn ra cây cầu rất rõ.

“Quý khách muốn dùng gì ạ?” Cô bé phục vụ bước lại phía sau tôi hỏi.

“Cho tôi sakura mochi nhé.” Kiyoshi gọi cho tôi món bánh gạo anh đào là đặc sản của quán. Cậu đưa cho cô phục vụ mấy đồng xu.

Mặc dù vị khách bí ẩn cúi gằm mặt, tôi vẫn có thể nhìn rõ bà ấy. Gương mặt mỏng nhưng rất ưa nhìn, tuổi khoảng 45 hoặc 50 và khi còn trẻ chắc phải là một phụ nữ rất đẹp. Bà không hề đụng đến trà và bánh gạo đặt trước mặt. Tại sao vị khách này lại không ngẩng lên nhìn chúng tôi nhỉ? Người phụ nữ đối diện tôi có thật là một minh tinh màn bạc không?

Kiyoshi không giới thiệu chúng tôi với nhau và điều này khiến tôi rất không thoải mái. “Chúng ta sẽ nói chuyện khi bà dùng bánh và trà.” Kiyoshi nói.

Chúng tôi ngồi lặng im.

Khi cô bé phục vụ mang bánh sakura mochi cho tôi, Kiyoshi đội ngột phá tan không khí im lặng.

“Đây là anh Kazumi Ishioka,” cậu bắt đầu nói với vị khách bí ẩn. “Anh ấy và tôi đang làm việc cùng nhau.”

Người phụ nữ ngước lên nhìn tôi lần đầu tiên, mỉm cười và hơi cúi đầu, dáng điệu ngại ngùng như một thiếu nữ mới lớn. Đồng thời, ở bà cũng toát lên sự chín chắn và khiêm nhường. Quả thật hấp dẫn.

Kiyoshi từ từ quay sang tôi và nói một điều không thể tin nổi: “Để tôi giới thiệu với anh bà Taeko Sudo. Bà ấy là người chúng ta ngưỡng mộ từ lâu. Thủ phạm trong các vụ án mạng hoàng đạo Tokyo…”

Tôi không thốt lên được lời nào. Không thể tin vào tai mình. Tôi ngất mất. Khoảng thời gian im lặng sau câu nói của Kiyoshi cảm giác dài bằng bốn mươi năm.

Đột nhiên, một lằn chớp nhá lên soi sáng quán trà và sự im lặng bị phá tan bởi một tiếng sét inh tai. Cô phục vụ phải cố gắng lắm mới kìm được tiếng thét. Sau đó những giọt mưa lớn lộp độp trên mái nhà, chỉ trong vài giây, mưa ào ào trút xuống.

Khung cảnh qua ô cửa sổ biến thành một bức họa sumi-e[1] trong màn mưa. Chúng tôi nhìn thấy mọi người đang hối hả tìm chỗ trú mưa; một vài người lao vội vào quán trà, đẩy cánh cửa trượt bằng gỗ kêu rầm rầm và nói năng ồn ào.

[1] Tranh thủy mặc của Nhật Bản được vẽ bằng hai màu đen và trắng.

Tôi nhìn tất cả những cảnh ấy trong trạng thái xuất thần, cứ như thể mọi thứ trên thế giới đang từ từ biến mất. Một cảm giác kiệt quệ bao trùm lên tôi. Tôi hình dung ra một mảnh giấy đang bốc cháy và teo lại…

Phải chăng Kiyoshi lại đang trêu chọc mình như mọi khi? Nếu vậy, quý bà kia phải phản ứng rất quyết liệt…

Tôi định thần lại. Taeko Sudo ư? Tôi chưa bao giờ nghe đến cái tên này. Làm sao Kiyoshi biết được rằng bà ấy là hung thủ chứ? Như thế có nghĩa là mấy vụ giết người do một người không ở trong gia đình thực hiện ư? Nhưng người phụ nữ này chỉ khoảng 50 tuổi thôi. Vào thời điểm xảy ra án mạng, bà ấy vẫn chỉ là một đứa trẻ. Làm sao một đứa trẻ có thể giết được Heikichi, Kazue và sáu cô gái chứ?

Xin đừng nói với tôi rằng những tội ác đó do một đứa trẻ gây ra! Chẳng lẽ người phụ nữ này đã hăm dọa Bunjiro Takegoshi? Chẳng lẽ quý bà đây đã cưa và lắp ghép xác của sáu cô gái để tạo ra Azoth? Như vậy có nghĩa là không phải Heikichi, Yoshio, Ayako, Yasukawa, hay Yoshida là hung thủ mà chỉ một mình người phụ nữ này? Tại sao? Quan hệ của bà ấy với nhà Umezawa là gì? Không hề có tên Taeko trong phả hệ gia đình. Bà ấy từ đâu xuất hiện? Hàng nghìn người đã cố gắng giải quyết bí ẩn này nhưng không ai biết đến sự tồn tại của bà ấy ư? Làm sao một đứa trẻ có thể làm nổi việc này?

Và điều quan trọng nhất: làm thế nào Kiyoshi có thể tìm ra bà ấy chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Chỉ mới có vài tiếng kể từ lúc cậu ấy rời khỏi tôi. Bốn mươi năm đã trôi qua và rồi vụ việc được giải quyết chỉ trong vài tiếng ư? Làm sao có thể như thế được?

Mưa vẫn trút xuống, điểm xuyết bằng những lằn chớp. Quán trà trở nên ẩm ướt. Ba chúng tôi vẫn ngồi im lặng như những ma-nơ-canh.

Khi cơn bão bắt đầu lắng xuống, thì chính Taeko lên tiếng trước.

“Tôi luôn mong đợi có ai đó sẽ tìm ra tôi,” bà nói với giọng khàn khàn, giọng già trước tuổi. “Thật khó tin là chuyện này lại trở thành một bí mật không thể giải đáp trong suốt thời gian lâu như vậy, nhưng tôi vẫn có cảm giác rằng người phá được vụ án này sẽ là một thanh niên như anh.”

“Cho phép tôi hỏi bà một câu,” Kiyoshi nói rất chân thành. “Tại sao bà lại ở đây? Bà có thể chuyển tới bất kỳ nơi nào để ẩn náu. Bà đủ thông minh để học một ngoại ngữ. Bà có thể ra nước ngoài sống.”

Bầu trời đã hửng màu xám vàng, trong khi mưa vẫn tiếp tục rơi nhưng dịu hơn.

“Rất khó giải thích… Có lẽ vì tôi đợi được gặp anh… Tôi rất cô đơn, chưa bao giờ tìm được một người để yêu thương. Tôi tin rằng bất kỳ ai giải quyết được bí ẩn này và tìm ra tôi sẽ có suy nghĩ giống như tôi… Ồ, tôi không có ý nói rằng anh là một người độc ác như tôi hay có khả năng làm những việc như tôi đã làm…”

“Tôi hiểu điều bà muốn nói,” Kiyoshi nghiêm túc trả lời.

“Tôi rất vui vì cuối cùng cũng được gặp anh.”

“Tôi còn vui gấp ba lần vì được gặp bà,” Kiyoshi nói.

“Anh là một chàng trai tài ba. Tôi tin chắc anh sẽ làm được những việc lớn trong tương lai.”

“Cám ơn bà. Nhưng tôi tự hỏi không biết tôi còn có cơ hội để tham gia vào một vụ việc thách thức như thế này nữa không.”

“Không ai có thể biết được điều đó, cho nên đừng quá thỏa mãn vì giải quyết được bí mật này.”

“Xin đừng lo. Điều đó không dễ vì tôi đã bị bịt mắt suốt một thời gian dài. Chà, chúng tôi phải đi trước khi tôi quá tự mãn về thành tích nhỏ nhoi của mình. Thật tiếc, thưa bà Sudo, nhưng khi tôi quay lại Tokyo, tôi phải báo tin về bà cho một cảnh sát biết – đó là con trai của ông Bunjiro Takegoshi, đương nhiên rồi. Vì thách thức nhau, tôi đã bảo ông ấy tôi sẽ giải quyết được bí mật này. Có lẽ niềm kiêu hãnh của tôi đã khiến tôi làm như vậy. Ông ấy có thái độ rất thô lỗ và tôi cảm thấy có nghĩa vụ trước sự việc. Nếu tôi kể cho bà biết tại sao thì bà sẽ hiểu. Tôi phải gặp ông ta vào ngày mai. Có lẽ ông ấy và các thám tử đồng nghiệp sẽ tới gặp bà vào tối mai. Bà vẫn có thời gian để bỏ trốn. Chắc chắn tôi sẽ không cản bà. Đó là lựa chọn của bà.”

“Cho dù các quy định ràng buộc đã hết, nhưng anh cũng không nên giúp đỡ một kẻ phạm tội,” bà ấy nói rất đơn giản.

Kiyoshi quay đi và cười. “Tiếc là tôi lại chưa bao giờ vào tù. Tôi ước gì tôi có thể giải thích được nó là như thế nào.”

“Anh không biết sợ hãi. Tôi cũng đã từng như vậy khi tôi còn trẻ.”

“Tôi cứ tưởng rằng trận gió này sẽ nhanh qua, nhưng có vẻ nó vẫn còn dai dẳng. Xin cứ cầm theo cái ô này,” Kiyoshi nói, trao cái ô của tôi cho bà ấy.

Taeko ngập ngừng. “Nhưng tôi không thể trả lại nó cho anh được.”

“Đừng lo. Nó không giá trị cho lắm,” Kiyoshi mỉm cười nói.

Cả ba chúng tôi đứng lên để về. Khi bước ra ngoài, tôi đến chết vì tò mò, nhưng không muốn phá hoại bầu không khí giữa hai người. Tôi cảm thấy mình như kẻ ngoài cuộc, nên giữ im lặng.

Taeko mở ví, dùng tay trái rút ra một túi lụa trắng và đỏ. “Anh là người tốt bụng nhất. Cho phép tôi đáp lại lòng tốt của anh bằng thứ này.”

Kiyoshi nhận lấy món quà bằng tay trái và cảm ơn bà một cách cộc lốc. Cậu ấy liếc nhìn nó.

Taeko Sudo, tay cầm cái ô của tôi, cúi người thật thấp, trước hết là chào Kiyoshi, sau đó quay sang tôi. Tôi bối rối, nhưng vẫn cúi chào đáp lễ. Bà từ từ quay đi.

Kiyoshi và tôi che chung một cái ô đi về phía cầu. Khi vượt qua cầu, tôi quay lại nhìn. Taeko cũng quay lại nhìn chúng tôi và lại cúi chào. Kiyoshi và tôi cũng cúi chào. Tôi không thể tin rằng bà ấy là kẻ giết người hàng loạt từng tạo ra một câu chuyện giật gân như vậy. Bà tiếp tục chậm rãi bước đi và không ai chú ý tới bà.

Mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn như thể vở kịch đã đến hồi kết thúc.

“Anh sẽ giải thích cho tôi chứ?” Tôi hỏi Kiyoshi.

“Dĩ nhiên rồi, nếu anh quan tâm.”

“Anh nghĩ là tôi không quan tâm à?”

“Dĩ nhiên là có, nhưng tôi chỉ nghĩ có thể là anh không muốn thừa nhận rằng anh đã thua cuộc.”

Tôi im lặng.
 
Chương 38: Cảnh 2: Gieo xúc xắc


Khi chúng tôi trở lại nhà Emoto, Kiyoshi gọi một cú điện thoại. Hình như cậu nói chuyện với bà Misako Iida.

“Vâng, vụ việc đã được giải quyết... Vâng, thủ phạm vẫn còn sống. Chúng tôi vừa gặp... Là ai ư? Chà, nếu bà muốn biết thì xin hãy đến văn phòng tôi vào chiều mai. Tên anh trai của bà là gì nhỉ?... Fumihiko à? Hừm, tôi không ngờ ông ấy lại có cái tên hay thế! Tất nhiên ông ấy cứ thoải mái mà tham dự cùng chúng ta, nhưng xin nhắc ông ấy mang theo cuốn sổ ghi chép của cụ ông. Nếu ông ấy không mang theo cuốn sổ, tôi sẽ không tiếp chuyện với ông ấy... Vâng, tôi sẽ ở đó cả ngày mai. Bất kỳ lúc nào cũng được, nhưng xin hãy gọi cho tôi trước khi đến... Chào bà.”

Kiyoshi gác máy và quay một số khác, gọi cho Emoto hiện đang ở chỗ làm.

Tôi tìm một cái chổi và bắt đầu quét căn phòng chúng tôi đã lưu trú. Sau cuộc gọi, Kiyoshi tiếp tục ngồi lơ đễnh ở giữa phòng, nhìn mông lung vào hư không. Tôi phải dùng chổi xua cậu ra chỗ khác.

Khi chúng tôi đến ga Kyoto, Emoto đã đợi sẵn trên sân ga.

“Mấy thứ này cho các ông. Cầm lấy đi,” anh ta nói và đưa cho chúng tôi hai hộp bento ăn trưa. “Lúc nào tiện lại đến chơi với tôi.”

“Cám ơn ông rất nhiều,” tôi đáp. “Ông tốt quá. Tôi đã có những khoảnh khắc rất thoải mái. Nhớ tới thăm chúng tôi ở Tokyo bất kỳ khi nào ông rảnh. Cảm ơn ông vì mọi thứ.”

“Ồ, tôi có làm gì được đâu. Bạn bè tôi vẫn đến ở lại rồi đi. Cứ thoải mái sử dụng chỗ của tôi bất kỳ lúc nào. Tôi rất vui được biết vụ việc đã giải quyết xong.”

“Tôi cũng thế, nhưng tôi vẫn chưa hiểu hết. Tôi vẫn thấy rối beng. Chỉ có vị thiên tài chưa chịu cạo râu này là biết sự thật thôi,” tôi nói, tay chỉ Kiyoshi.

“Thế hắn vẫn giữ bí mật à?”

“Phải,” Kiyoshi nhăn nhở đáp.

“Hắn chẳng bao giờ thay đổi. Hắn khoái giấu giếm mọi thứ, nhưng lại chẳng bao giờ nhớ mình giấu ở đâu! Nếu dọn dẹp phòng hắn, ông sẽ thấy đồ đạc của hắn khắp mọi nơi.”

“Tôi chỉ hy vọng hắn không quên cách giải quyết bí mật thôi.”

“Bảo hắn giải thích mọi chuyện khi hắn còn nhớ ấy.”

“Tôi cứ thắc mắc tại sao lại có nhiều thầy tướng số mắc chứng lập dị thế chứ?”

“Thường là vì họ già rồi,” Emoto nói.

“Cho nên hắn cũng là một trong số mấy lão già gàn bướng bỉnh đó..., ở cái tuổi còn rất trẻ! Quá trẻ, phải, tôi cảm thấy tiếc cho hắn quá!”

“Này, hai quý ông, đến lúc đi rồi!” Kiyoshi nói, cắt đứt chuyện phiếm của chúng tôi. “Tàu sẽ đưa chúng ta quay lại một thời đại cách đây năm trăm năm. Chúng ta sẽ khoác những bộ giáp La Mã và cưỡi trên lưng con la màu trắng.”

“Thấy chưa? Hắn lúc nào cũng như vậy,” tôi nói với Emoto.

“Chắc ông đến phát rồ,” Emoto đáp đầy cảm thông.

“Nhưng nếu và lúc nào tôi nghe hắn giải thích, tôi sẽ cho ông biết. Có lẽ sẽ là cả một lá thư dài đấy.”

“Tôi sẽ chờ thư. Nhớ rảnh lại đến chơi với tôi nhé!”

Đoàn tàu cao tốc chạy qua những cánh đồng lấp loáng trong ánh hoàng hôn. Tôi ép Kiyoshi phải giải thích mọi chuyện.

“Anh không cho tôi một chút gợi ý nào sao? Như thế sẽ không hại gì, phải không?”

Kiyoshi có vẻ mệt, nhưng không cưỡng được cảm giác thắng thế. “Anh thấy rồi đấy, chính là băng dính trong.”

“Sao cơ? Anh đùa à!”

“Tôi chưa bao giờ nghiêm túc hơn. Còn hơn cả chìa khóa đấy, nó giải quyết toàn bộ bí ẩn này.”

Tôi cảm thấy rất rối.

“Vậy là Yasukawa cùng con gái ông ấy, Shusai Yoshida, và Hachiro Umeda không hề cung cấp được chìa khóa nào cho bí mật này à?”

“Chà, họ có liên quan đến vụ việc, nhưng chúng ta không cần đến họ.”

"Ý anh là chúng ta có đủ mọi thông tin cần để giải quyết vụ việc à?"

"Đúng, dĩ nhiên là chúng ta có rồi. Chẳng còn gì hơn thế."

"Nhưng gượm đã... chúng ta có biết địa chỉ Taeko Sudo đâu, phải không?"

"Ồ có chứ, chúng ta biết."

"Từ thông tin chúng ta có hả?"

"Từ thông tin chúng ta có."

"Nhưng chắc chắn anh phải có một số thông tin mới - một điều gì đó mà tôi không biết - trong khi tôi chạy tới chạy lui giữa Kyoto, Osaka và Nagoya."

"Hoàn toàn không. Tôi chỉ tranh thủ bên cạnh sông Kamo. Thực tế, chúng ta có thể gặp Taeko ngay sao khi chúng ta tới Kyoto. Chỉ là chúng ta bất tài tới khó tin."

"Nhưng bà ấy là ai? Đó có phải là tên thật của bà ấy không?"

"Không, dĩ nhiên là không phải."

"Tôi có biết tên thật của bà ấy không?... Tôi biết rồi phải không? Nói cho tôi xem nào! Thế còn Azoth? Nàng có được tạo ra không?"

"Azoth à?... Hừm, nàng có tồn tại," Kyoshi đáp. "Azoth đứng lên, đi lại và gây ra toàn bộ vụ án."

Tôi đờ đẫn. "Cái gì? Nhưng bằng cách nào?"

"Dĩ nhiên là nhờ một phép mầu."

"Vậy là anh đang đùa rồi," tôi nói, vẻ phấn khích giảm hẳn. “Được rồi. Sẽ chẳng bao giờ là thật cả... Nhưng người phụ nữ đó là ai? Tôi chẳng hiểu gì hết.”

Kiyoshi hơi hé mắt và cười nhăn nhở.

“Anh phải kể cho tôi nghe. Chuyện này không bỏ qua được! Tôi tò mò muốn chết đây này!”

“Tôi sẽ chợp mắt một lúc, anh hãy suy nghĩ về vụ án và thư giãn đi,” Kiyoshi cười khùng khục, tựa đầu vào cửa sổ.

“Là bạn của tôi, anh không nghĩ anh có nghĩa vụ kể cho tôi mọi việc bây giờ sao? Chúng ta làm việc cùng nhau mà. Anh đang thách thức tình bạn của chúng ta đấy.”

“Ồ, hóa ra giờ anh đe dọa tôi đấy à? Tôi không nói là tôi sẽ không bao giờ giải thích cho anh biết, nhưng tôi không thể làm việc đó ngay lập tức. Khi thời điểm đến, tôi sẽ lần lượt kể cho anh biết mọi chuyện. Tôi kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần rồi. Tôi sẽ không thể nghỉ ngơi nếu anh quấy rầy tôi bằng những câu hỏi. Anh nên nghỉ ngơi và ngủ một giấc đi. Mọi chuyện sẽ được hóa giải ở văn phòng của tôi vào ngày mai.”

“Nhưng tôi không buồn ngủ!”

“Có thể như vậy. Nhưng tôi thì có đấy. Tôi gần như nhịn đói suốt hai ngày. Tôi không được ngủ trên giường sạch sẽ và không được cạo râu đã mấy ngày rồi. Râu ria khiến da tôi ngứa ngáy khi tôi áp mặt vào cửa sổ. Tôi muốn được cạo râu ngay bây giờ. Tại sao đàn ông lại phải chịu đựng sự phiền toái đó nhỉ?” Kiyoshi quay sang nhìn tôi, “Được rồi, tôi sẽ cho anh thêm một gợi ý. Anh nghĩ bà Taeko Sudo bao nhiêu tuổi rồi?”

“Khoảng gần 50 tuổi.”

“Nào, anh là một họa sĩ vẽ tranh minh họa phải không? Anh không đoán được à? Chà, thực tế bà ấy đã 66 tuổi rồi.”

“Sáu mươi sáu à?! Thế ra bà ấy đã 26 tuổi cách đây bốn mươi năm...”

“Bốn mươi ba năm trước.”

“Được rồi. Vậy khi đó bà ấy đã 23 tuổi ư?... Tôi hiểu rồi! Bà ấy là một trong sáu cô gái bị chết! Nhưng điều đó có nghĩa là có xác ai đó thế chỗ cho bà ấy, đúng không?”

Kiyoshi ngáp. “Buổi tổng dượt hôm nay thế đã. Nhưng hãy nghĩ xem: liệu bà ấy có thể dễ dàng tìm được một vũ công ba lê cùng tuổi không?”

“Cái gì? Ý anh là tôi sai à? Mẹ kiếp! Tối nay tôi mất ngủ rồi!”

“Tốt lắm. Vì tình bạn của chúng ta, hãy không ngủ một đếm giống như tôi xem sao. Ngày mai anh sẽ thấy tốt hơn,” Kiyoshi nói và nhắm mắt lại vẻ thỏa mãn.

“Anh thích thú nhìn tôi chịu đựng phải không?”

“Không, không hề. Mắt tôi díp lại rồi.”

Sau vài giây đánh đố như vậy, Kiyoshi mở mắt, rút cái túi mà Taeko Sudo đã đưa cho cậu ấy và bắt đầu xem xét nó.

Bầu trời đỏ rực khi hoàng hôn xuống. Tôi nghĩ đến cơn bão ở Arashiyama vài tiếng trước. Tôi nghĩ đến bảy ngày qua ở Kyoto: Những địa danh khác nhau, những con người khác nhau, quá nhiều điều khác nhau. Tất cả chỉ trong một tuần.

“Tôi đoán toàn bộ việc chạy khắp nơi của tôi là vô ích, phải không?”

“Nói thế không đúng,” Kiyoshi nói, trong lúc lơ đễnh nghịch chiếc túi.

“Sao anh lại nói vậy?”

“Bởi vì anh đã có một quãng thời gian tuyệt vời ở Meiji-Mura.”

Khi Kiyoshi dốc chiếc túi xuống, có hai viên xúc xắc rơi ra. Cậu đổ chúng lên tay. “Anh biết đấy, bà Taeko nói rằng bà ấy nghĩ vụ việc sẽ được một thanh niên giải quyết phải không?”

Tôi gật đầu.

“Bà ấy có hài lòng với chúng ta không nhỉ?” Kiyoshi hỏi.

“Ý anh là sao?”

“Ồ, chỉ là tôi đang tự nói với mình.”

Kiyoshi tiếp tục chơi xúc xắc trong khi ánh hoàng hôn rực rỡ nhạt dần vào màn đêm.

“Màn trình diễn ảo thuật đã kết thúc,” Kiyoshi phán.

Khi chúng tôi quay trở về Tokyo, tôi ngồi nghĩ về bà Taeko Sudo. Chuyện gì sẽ xảy ra với bà ấy? Tôi không biết gì về pháp luật, nhưng theo lời Kiyoshi, luật pháp Nhật Bản quy định thời hiệu tố tụng là mười lăm năm kể từ khi xảy ra án mạng. Cho nên bà Taeko có thể không bị pháp luật trừng phạt vì những tội ác của mình. Tuy nhiên, khi nghĩ về câu chuyện rùng rợn, khủng khiếp năm nào, bà ấy sẽ chẳng bao giờ có được một cuộc sống bình yên nữa…

Giải lao: Thông điệp nữa từ tác giả

Độc giả thân mến, chúng ta hãy tạm xa Kiyoshi và Kazumi đang trên tàu trở về Tokyo một lúc…

Trước khi tiếp tục, tôi chỉ muốn nói rằng Kiyoshi không hề phóng đại. Lúc cậu ấy và Kazumi đến ga Kyoto, các bạn đã có thể xác định được hung thủ. Tuy nhiên, tôi tiếp tục câu chuyện này bởi vì tôi nghĩ có thể các bạn cần thêm một số gợi ý. Sau hết, vụ án này không có lời giải suốt bốn mươi năm, cho nên nhiều khả năng là các bạn vẫn thấy rối!

Tại sao lúc này lại không tạm nghỉ và xem xem liệu bạn có thể trả lời được hai câu hỏi rất đơn giản trước khi tất cả được hé lộ trong những trang tiếp theo không:

1. Taeko Sudo là ai?

Chà, thực tế, nhân dạng của bà ấy đã bị tiết lộ.

2. Làm thế nào bà ấy hoàn thành được kế hoạch giết người của mình?

Tôi chúc các bạn may mắn trong việc tìm ra sự thật.

Trân trọng

Soji Shinada
 
Chương 39: Phép mầu trong màn sương mù thời gian


Cảnh 1: Sát thủ vô hình

Sáng sớm thứ Sáu ngày 13, tôi xuống tàu tại ga Tsunashima. Vạn vật yên ắng trong màn sương sớm, mặc dù cũng khu vực này vào ban đêm lại rất nhộn nhịp và sáng rực với những tấm biển đèn nê-ông của các khách sạn. Đêm qua tôi ngủ không được ngon. Càng nghĩ về Taeko thì tôi càng thấy rối. Kiyoshi tiết lộ rất ít và tôi vẫn thấy bí. Giờ tôi nhận ra rằng khả năng lập luận của mình không hơn mức bình thường là bao nhiêu. Tôi ăn sáng tại một quán cà phê và cố gắng dự đoán trước tình hình trong ngày. Nó sẽ là một ngày đáng nhớ.

Tuy nhiên, khi tôi đến văn phòng của Kiyoshi, cậu vẫn đang ngủ. Tôi đánh rửa mấy cốc cà phê bỏ lại trong bồn và chuẩn bị chỗ cho hai vị khách sắp đến. Sau đó bật nhạc vừa đủ nghe và nằm xuống trường kỷ, tôi mơ màng chợp mắt. Cuối cùng, Kiyoshi cũng chui ra từ phòng ngủ, ngáp và gãi đầu. Cậu đã thay quần áo và cạo râu sạch sẽ, trông Kiyoshi thực sự rất bảnh bao.

“Anh ngủ ngon không?” Tôi hỏi.

“Cũng tàm tạm,” cậu trả lời. “Anh đến sớm thế. Tôi cá là đêm qua anh cóc ngủ được, phải không?”

“Vì hôm nay là một ngày lịch sử.”

“Lịch sử à? Tại sao?”

“Chậc, hôm nay là ngày bí ẩn lớn lao cuối cùng cũng sáng tỏ. Anh là người sẽ công bố sự thật, cho nên anh phải phấn khích như tôi chứ.”

“Công bố sự thật cho cái con đười ươi Takegoshi Con ấy à? Tôi chẳng thích tí nào. Khoảnh khắc lịch sử đã đến và qua rồi, nhưng tôi sẵn sàng giải thích vụ việc cho anh nghe.”

“Thế nhưng cuộc gặp hôm nay mới là chính thức, đâu phải chỉ cho mình tôi.”

“Chính thức dọn sạch mớ hỗn độn chứ gì?” Kiyoshi đáp lại.

“Thế nào chẳng được. Hôm nay chỉ có vài thính giả thôi, nhưng chắc chắn câu chuyện sẽ được lan truyền rộng rãi.”

“Ờ, đúng, hồi hộp đấy,” Kiyoshi khụt khịt. “Tôi đi đánh răng đã.”

Kiyoshi không phấn khích hay sốt ruột tí nào. Nếu có, thì đó là sự miễn cưỡng.

“Kiyoshi, hôm nay anh là một người hùng!” Tôi nói để khích lệ cậu ấy quay lại.

“Tôi không quan tâm đến việc trở thành anh hùng hay được đối xử đại loại như vậy. Tôi giải quyết bí ẩn, thế thôi. Tôi không muốn được tán dương thêm! Chán chết! Những bức vẽ đẹp không cần đóng khung, anh biết mà… Cứ nghĩ rằng tôi sẽ giúp lão cớm côn đồ ấy là tôi lại bực mình. Nếu không vì cha lão thì tôi chẳng thèm nói với lão chuyện gì hết, hừ!”

Quá trưa, bà Iida gọi điện thông báo rằng sẽ cùng anh trai tới trong vòng một tiếng nữa. Trong lúc chờ đợi, Kiyoshi vẽ vài biểu đồ lên cuốn sổ tay.

Cuối cùng cũng có tiếng gõ cửa.

“Xin chào, mời vào.” Kiyoshi nói. Trông cậu có vẻ bối rối khi bà Iida bước vào với một người đàn ông khác không phải anh trai bà ấy. “Ồ, ông Fumihiko đâu ạ? Ông ấy không đến sao?”

“Hôm nay anh ấy không đến được, cho nên chồng tôi đi cùng tôi. Đây là ông Iida.”

Ông Iida cúi chào chúng tôi hai lần. Ông có vẻ ngoài khiêm nhường, giống với ngưới quản lý một cửa hàng kimono hơn là một thám tử.

“Ông ấy cũng làm ở sở cảnh sát nên không có vấn đề gì đáng ngại,” bà Iida tiếp tục. “Tôi cũng muốn xin lỗi về thái độ khiếm nhã của anh trai tôi khi anh ấy tới gặp ông, ông Mitarai. Tôi rất tiếc về chuyện đó.”

“Chà, tôi cũng rất tiếc ông ấy không thể đến đây,” Kiyoshi trả lời, cố gắng kiềm chế giọng điệu châm biếm của mình. “Tôi tự hỏi liệu ông ấy có vắng mặt không nếu như tôi không giải quyết được vụ việc này. Chậc, chúng ta phải hiểu rằng một người đàn ông ở vị thế cao luôn bận rộn. Ishioka, anh không pha cà phê cho chúng ta à?”

Tôi vội vã chạy vào bếp.

Khi mọi người đã ổn định vị trí và cà phê đã sẵn sàng, Kiyoshi tiến lên, đứng trước một tấm bảng đen nhỏ.

“Tôi mời các vị tới đây hôm nay,” cậu bắt đầu, “bởi vì tôi muốn giải thích về vụ án hoàng đạo Tokyo, các vị có mang theo cuốn sổ ghi chép của cha mình không đấy?... Tốt quá. Làm ơn cho tôi mượn được không?”

Di vật của ông Bunjiro Takegoshi rất quan trọng với Kiyoshi. Viên cảnh sát đã phải chịu đựng suốt cả một đời mình và Kiyoshi làm việc miệt mài để giành lại danh dự cho ông ấy. Khi cậu nhận cuốn sổ từ bà Iida, tôi nhận thấy các mạch máu trên mu bàn tay cậu nổi hẳn lên.

“Không khó để nói với các vị tên của hung thủ. Giờ bà ấy mang tên Taeko Sudo, điều hành một cửa hàng nhỏ chuyên kinh doanh túi gần Đền Seiryoji ở Sagano tại Kyoto. Tên cửa hàng đó là Megumi. Ở Sagano không còn cửa hàng nào khác mang tên Megumi cả, cho nên các vị sẽ dễ dàng tìm thấy nó. Tôi kết thúc cuộc gặp mặt này ở đây được chứ? Các vị sẽ biết toàn bộ câu chuyện khi các vị hỏi bà ấy mọi tình tiết – trừ phi các vị muốn tôi tiếp tục? Tôi tiếp tục ư? Được thôi, vậy thì để tôi nói tiếp. Sẽ là một câu chuyện rất dài...”

Phần giải thích của Kiyoshi rất rõ ràng, chặt chẽ và trôi chảy như thể đang trình bày cho cả ngàn thính giả trong cái văn phòng nhỏ bé đó.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top